Năm 184, ba người Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi gặp nhau, tâm đầu ý hợp, kết nghĩa anh em. Dù “kết nghĩa vườn đào” chỉ là điển tích hư cấu nhưng mối quan hệ giữa 3 người Lưu – Quan – Trương là vô cùng son sắt, tín nghĩa, trung thành, một lòng không đổi.
Cái chết của ba huynh đệ Lưu – Quan Trương
Tam Quốc chí chép: “Tiên chủ cùng với hai người (Quan Vũ, Trương Phi) ngủ cùng giường, tình thân thiết như huynh đệ. Khi có việc công, hai người đứng hầu trọn ngày, mọi thứ đều do Tiên chủ chu toàn, chẳng tị hiềm gian khổ”.
Người con nuôi của Lưu Bi – kẻ gián tiếp gây ra cái chết của 3 huynh đệ Lưu-Quan-Trương. |
Dù “không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm” và cũng chẳng “chết cùng năm cùng tháng cùng ngày” nhưng rõ ràng việc Quan Vũ bị quân Đông Ngô hành quyết tại Lâm Thư sau khi mất Kinh Châu, tháng Chạp 219 (khoảng tháng 1/220) cũng kéo theo những sự kiện dẫn tới cái chết của huynh trưởng Lưu Bị và tam đệ Trương Phi.
Gần 2 năm sau cái chết của Vũ, Bị khi đó đã lên ngôi Hoàng đế Thục Hán, quyết định khởi binh đánh Đông Ngô báo thù cho em. Trương Phi được lệnh dẫn quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang Châu hội binh với Lưu Bị.
Trương Phi yêu kính người quân tử mà không thương xót kẻ dưới mình. Lưu Bị thường khuyên bảo Trương Phi rằng: “Khanh dùng hình phạt quá mức, lại hay đánh đập người dưới, xử phạt xong mà vẫn giữ bên mình, ấy là chuốc lấy tai vạ vậy”. Phi bao năm không chịu sửa đổi. Khoảng cuối tháng 6- đầu tháng 7 năm 221, khi đang chuẩn bị tấn công Đông Ngô, Trương Phi bị bộ hạ dưới trướng Trương Đạt và Phạm Cương sát hại, cắt lấy thủ cấp, xuôi theo sông trốn sang Ngô xin hàng Tôn Quyền.
Tháng 8/221, Lưu Bị tập trung quân ở Giang Châu, chính thức Đông Tiến. Đại chiến với Đông Ngô, một phần là vì tình riêng (trả thù cho 2 em Quan Vũ – Trương Phi), một phần cũng là theo phương châm đã định – giành lấy Kinh Châu – làm bàn đạp tấn công Trung Nguyên sau này, theo Long Trung Sách của Gia Cát Lượng.
Sau một thời gian dài nhất mực phòng thủ, tuyệt không ra đánh, Đô đốc của Đông Ngô Lục Tốn dùng kế hỏa công tổng phản công đánh úp vào liên trại của Lưu Bị, đánh tan vạn quân Thục Hán tầm tháng 8/222. Lưu Bị đại bại ở Di lăng, lui về thành Bạch Đế, trí lực sa sút vô cùng. Đến giữa tháng 6/223, bệnh tình Lưu Bị nguy kịch. Sau khi dặn dò Gia Cát Lượng và Lý Nghiêm phò ấu chúa Lưu Thiện thì Bị trút hơi thở cuối cùng, thọ 63 tuổi.
Quan Vũ lẽ ra đã không tử nạn nếu…
Như vậy, là chỉ trong vòng hơn 3 năm, ba anh em Lưu – Quan – Trương lần lượt qua đời. Kẻ bị bắt sống hành quyết, kẻ bị thủ hạ ám sát, kẻ mang tâm bệnh xuống suối vàng. Thật đáng tiếc vô cùng. Nhưng ngược dòng thời gian, trở về thời điểm Quan Vũ bại trận ở Phàn Thành trước Từ Hoảng, Lã Mông “áo trắng qua sông” đánh úp Kinh Châu, My Phương – Phó sĩ Nhân đầu hàng dâng Giang Lăng và Công An cho Tôn Quyền, “Võ Thánh” thực ra vẫn chưa đến mức bị ép đến cùng đường nếu như có một kẻ sẵn sàng chịu giúp ông.
Xét hoàn cảnh lúc bấy giờ, Vũ sau khi nhận hàng loạt hung tin, có hai lựa chọn. Thứ nhất chạy về phía Tây Bắc, tới các quận Thượng Dung, Phòng Lăng – thuộc địa bàn trấn giữ của Thục Hán. Và thứ hai, cùng tàn binh di về phía Nam ra Mạch Thành, chờ viện binh đến cứu. Vũ không chọn phương án một bởi quan hệ giữa ông với các tướng trấn giữ các quân mạn Tây Bắc (Mạnh Đạt và Lưu Phong) không tốt.
Vũ chọn phương cách thứ hai, về Mạch Thành và chờ cứu viện. Tuy nhiên, lực lượng gần nhất có thể cứu Vũ lại chính là Lưu Phong ở Phòng Lăng. Thực tế, cũng như Mạnh Đạt – tướng cũ của Lưu Chương sau theo Lưu Bị khi Bị chiếm Ích Châu, Lưu Phong chọn cách án binh bất động, không cứu Vũ.
Vấn đề là ở chỗ, khác với những Mạnh Đạt, Thân Đam, Thân Nghi – chỉ là tướng dưới quyền vua Thục Hán Lưu Bị, Lưu Phong là người trong nhà họ Lưu. Nhóm Mạnh Đạt có lý do cá nhân để “làm ngơ” Quan Vũ nhưng Lưu Phong thì bằng giá nào cũng phải đem quân cứu viện.
Phong là con nuôi Lưu Bị, tức về thứ bậc trong nhà, là cháu gọi Quan Vũ bằng chú. Nếu Phong xuất binh cứu viện, Vũ chắc chắn đã không rơi vào cảnh diệt thân ở Lâm Thư, Lưu Bị cũng không phải bất chấp bao lời can gián mà nhất quyết phạt Ngô rồi khiến cả mình và Trương Phi chết trong uất hận.
Lỗi tại người con nuôi của Lưu Bị
Lưu Phong vốn có tên là Khấu Phong, mẹ ông họ Lưu, dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, em gái Lưu Bật, quan trấn thủ Phàn Thành, người quận Trường Sa. Năm 200, Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Từ châu bị lạc hết vợ con, chạy về phía nam theo Lưu Biểu. Khi Lưu Bị được Từ Thứ giúp đánh bại quân đội của Tào Nhân, Khấu Phong khoảng hơn 10 tuổi. Lưu Bị gặp Khấu Phong tỏ ra quý mến và nhận ông làm con nuôi. Từ đó ông mang tên là Lưu Phong.
Lưu Phong lớn lên có sức khỏe, thông thạo võ nghệ. Năm 214, ông theo Trương Phi, Triệu Vân vào Ích châu giúp Lưu Bị đánh Lưu Chương. Do tham gia chiến trận có công, Lưu Phong được phong làm Phó quân trung lang tướng. Sau đó, Lưu Phong theo lệnh Lưu Bị mang quân từ Hán Trung men theo sông Hán Thủy thuận dòng đến quận Thượng Dung hội binh với Mạnh Đạt cùng đánh Thái thú Thân Đam của Lưu Chương. Lưu Phong được giao làm tổng chỉ huy. Thân Đam đầu hàng, Lưu Phong được Lưu Bị phong làm Phó quân tướng quân, trấn thủ quận Phòng Lăng (thuộc Kinh châu).
Rõ ràng, cả về lý lẫn tình, cả chuyện công lẫn tư, Lưu Phong – vốn là tướng trấn thủ Phòng Lăng – không được phép làm ngơ trước tình cảnh hiểm nghèo của Quan Vũ, thời điểm đó là thủ lĩnh số một của Thục Hán tại Kinh Châu. Thế nên, việc Lưu Phong không ra quân hiệp trợ Quan Vũ, dẫn tới cái chết của huynh đệ tốt này khiến Lưu Bị căm giận vô cùng.
Sau khi Kinh Châu rơi vào tay Tôn Quyền còn Quan Vụ thiệt mạng, Mạnh Đạt bèn quay sang hàng Tào Ngụy. Thân Đam ở quận Thượng Dung, Thân Nghi ở quận Tây Thành cũng hàng Ngụy. Sau đó, Mạnh Đạt viết 1 bức thư cảnh báo rằng Lưu Phong đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm, rồi khuyên Phong nên hàng Tào. Tuy nhiên, lời khuyên của ông đã không được Lưu Phong đón nhận.
Do Lưu Phong không hàng Ngụy, ông bị Thân Đam mang quân tới đánh. Lưu Phong thua trận, mất nốt Phòng Lăng vào tay địch, cùng đường phải chạy về Thành Đô. Khi về Thành Đô, Lưu Phong có lẽ cũng đã chọn cho mình tuyệt lộ rồi. Lưu Bị lệnh bắt giam Phong và sau nghe lời khuyên của Gia Cát Lượng, quyết định xử trảm con nuôi, vì các tội danh: chống lệnh Quan Vũ, không đem viện binh cứu Vũ, không quản được kẻ dưới (Mạnh Đạt hàng Ngụy) và mất Phòng Lăng.