Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Hoà Bình vừa đề nghị Thường vụ trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, kỷ luật ông Bùi Văn Cửu (Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương) bằng hình thức cảnh cáo vì để xảy ra sai phạm nâng điểm cho 65 thí sinh.
Ông Cửu đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ một số khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi, quá trình thực hiện quy chế thi, nhất là khâu chấm thi.
Từ đó để xảy ra việc một số cán bộ can thiệp, sửa chữa nâng điểm thi cho 65 thí sinh trong hai năm 2017 và 2018, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình. Việc này gây bức xúc trong xã hội, làm mất đi cơ hội của các thí sinh khác vào trường đại học, cao đẳng.
Riêng ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 bị đề nghị cách chức. Tại thời điểm xảy ra vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc đã thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức thi, thực hiện quy chế thi, nhất là khâu chấm thi; buông lỏng quản lý để một số cán bộ chấm thi cấu kết với nhau can thiệp, sửa chữa, nâng điểm thi trái pháp luật…
Trụ sở Sở GD&ĐT Hòa Bình, nơi có nhiều cán bộ bị khởi tố do nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. |
Trong khi đó, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình về việc thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - 2018 tỉnh Hòa Bình có tên 5 cán bộ có con được nâng điểm.
5 lãnh đạo này thì có hai vị có con được nâng điểm thi và đăng ký vào Học viện An ninh nhân dân.
Cụ thể: Ông Bùi Văn Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải và ông Phạm Hồng Hải - Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình có con đẻ được sửa chữa, nâng điểm thi đã vi phạm Quy chế thi của Bộ GD&ĐT.
Ba ông khác có con được sửa chữa, nâng điểm thi và đăng ký vào ĐH Kinh tế Quốc dân gồm: Ông Trần Văn Tiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; Ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc sở KH&CN và ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình.
Số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên ở tổ hợp A0 và A1 của Hòa Bình tương đương Hà Nội và nhiều hơn hẳn so với TPHCM và Nam Định. |
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội cho hay, trường đã quyết định việc này từ khi nhận được điểm chấm thẩm định.
Cụ thể, trong đợt tuyển sinh năm 2018, 5 thí sinh Hòa Bình trúng tuyển ĐH Kinh tế Quốc dân thuộc diện phải chấm phúc thẩm vì liên quan gian lận thi cử ở địa phương này.
Khi có kết quả về chấm thẩm định hồi tháng 4, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp và thống nhất xóa tên hai sinh viên đến từ Hòa Bình khi các trường hợp này có kết quả chẩm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn. Ở ba trường hợp còn lại, kết quả chấm thẩm định có thấp hơn so với ban đầu, nhưng vẫn đủ điểm chuẩn nên tiếp tục được học tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Theo ông Triệu, thí sinh là con của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hay con của người dân thì với trường cũng đều như nhau.
Dù kết quả chấm thẩm định của 3 thí sinh con lãnh đạo ở Hòa Bình có thấp hơn so với ban đầu nhưng vẫn đủ điểm chuẩn của ĐH Kinh tế Quốc dân nên tiếp tục được học. |
Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hòa Bình có hơn 8.900 thí sinh dự thi. Kết quả khiến dư luận nghi ngờ khi số điểm giỏi nhiều bất thường. Trong mùa xét tuyển đại học, Hòa Bình có nhiều thí sinh trúng tuyển vào các trường công an, quân đội - trường có điểm chuẩn cao vượt trội so với mặt bằng chung.
Qua điều tra, xác minh, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 BLHS đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can là những cán bộ, công chức trong ngành giáo dục của tỉnh Hòa Bình.
>>> Xem thêm video: Sơn La khởi tố các đối tượng gian lận thi cử
Nguồn VTC
Sau Hòa Bình, các địa phương khác có mạnh tay xử lý cán bộ vi phạm?
Liên quan đến những cán bộ đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 – 2018, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư đánh giá cao kết luận kiểm tra của tỉnh Hòa Bình. Nhiều cán bộ đã vi phạm Khoản 8, Điều 3, Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Tuy nhiên, sau kết luận này ở Hòa Bình, vấn đề đặt ra là, đối với hai tỉnh Hà Giang, Sơn La, trong cùng một hành vi và mức độ vi phạm thì các địa phương này có thực hiện tương tự như ở Hòa Bình hay không?. "Ở địa phương phải tự xử lý, nếu không ngay bản thân ở địa phương đó sẽ phản đối", ông Thưởng nhấn mạnh.