Còn gần 41.500 tỷ đồng tồn kho BĐS đến cuối tháng 4/2016
(Kiến Thức) - Tính đến cuối tháng 4/2016, giá trị tồn kho bất động sản toàn thị trường còn gần 41.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.400 tỷ đồng so với tháng trước đó.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 4/2016, giá trị tồn kho bất động sản toàn thị trường còn gần 41.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.400 tỷ đồng so với tháng trước đó và giảm so với thời điểm cuối năm 2014 là gần 44%. Lượng tồn kho chủ yếu là đất nền ở các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. TP HCM là địa phương có giá trị tồn kho bất động sản cao nhất cả nước, với 7.730 tỷ đồng.
|
Ảnh minh họa. |
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lượng hàng tồn kho liên tục giảm kể từ năm 2013 đến nay là tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản, cho thấy từng bước giải quyết được bài toán về hàng tồn kho.
Tuy nhiên, chủ yếu là nhà chung cư và những khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư có năng lực. Khó khăn hiện nay là cần tìm cách giải quyết lượng hàng tồn kho ở những khu đô thị, dự án chưa có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ như giao thông, điện, nước... Để tiếp tục giải quyết hàng tồn kho bất động sản, cần sự vào cuộc tích cực trước hết của chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án.
Trước đó, trong báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2016, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 239,8 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư của cả nước.
Còn theo một báo cáo mới đây từ công ty Cushman & Wakefield, riêng tại Việt Nam, thị trường BĐS vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên ở phạm vi đầu tư cá nhân, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thấy nhiều sự tăng trưởng rõ rệt, ví dụ như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS nhà ở chẳng hạn, tuy nhiên, ở góc độ tổ chức thì các công ty Châu Á hiện đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam.
Thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất.