Nhìn con gái đã gần 40 tuổi vẫn lẻ bóng đi về, bà Nga chỉ biết thở dài lặng lẽ. Bà không dám mở lời nhắc con chuyện kết hôn vì sợ khơi lại vết thương cũ trong lòng.
Có lần bà nói xa gần, con gái đã phản ứng dữ dội: “Mẹ muốn con sống sao nữa, cả đời này con sẽ với mẹ, mẹ không vừa lòng à”. Giá như ngày ấy, bà Nga đừng cấm cản chuyện tình cảm của con.
Vợ chồng bà Nga sinh được Linh sau nhiều năm hiếm muộn. Tất cả tình cảm, vật chất, ông bà dồn vào để nuôi nấng mụn con duy nhất. Ngày đó, bạn bè được đưa đón đi học bằng xe máy, Linh đã được ba chở đi bằng xe hơi. Lớn lên, Linh học giỏi, xinh xắn càng làm ba mẹ hy vọng vào một tương lai xán lạn.
Học đại học năm thứ ba, Linh bất ngờ dẫn bạn trai về ra mắt gia đình, xin được phép ba mẹ. Nhìn bạn trai lớn tuổi, da rám nắng, ăn mặc có phần quê mùa, bà Nga đã không thích. Tìm hiểu kĩ hơn, bà càng tá hỏa khi biết chàng trai ấy hơn con gái 10 tuổi, mới tốt nghiệp phổ thông, đang làm trang trại nuôi dê ở vùng núi.
Khoảng cách tuổi tác, chênh lệch về hoàn cảnh sống của hai bên khiến vợ chồng bà Nga phản đối quyết liệt. Bà Nga nghĩ, con gái bà phải yêu một người tương xứng hơn về trình độ lẫn ngoại hình.
Được biết Linh quen người này trong một lần đi tình nguyện lên đó, mới gặp đã yêu nhau. Thay vì tìm cách khuyên nhủ con gái, bà Nga tìm cách cấm đoán, bắt cắt đứt liên lạc thậm chí dọa tự tử.
Linh thừa nhận mình yêu người đó vì bản lĩnh, ý chí và xin ba mẹ cho cô thêm thời gian để chứng minh tình cảm nhưng không được đồng thuận. Bà sợ con non nớt, chưa trải sự đời, dễ bị đánh lừa, mất cả tương lai.
Nhưng ông bà ở quê, làm sao kiểm soát hết cuộc sống của con gái ở thành phố. Trong một lần lên thăm con, bà bất ngờ khi thấy hai đứa đang lúi húi cùng nhau nấu nướng trong phòng trọ. Bà nổi giận đùng đùng, đánh đổ cả mâm cơm vừa dọn, chửi bới xúc phạm bạn trai của con thậm tệ.
Sau lần đó, người kia chủ động chia tay Linh khiến cô suy sụp, bị trầm cảm một thời gian dài. Vất vả lắm Linh mới tốt nghiệp được đại học, cuộc sống không còn sôi nổi, vui tươi như trước. Linh về làm gần nhà theo nguyện vọng của ba mẹ và không còn hứng thú với chuyện yêu đương.
Dù bà Nga liên tục nhờ người mai mối nhưng con gái chỉ lắc đầu. Khi chồng qua đời, bà càng trăn trở hơn về chuyện hôn nhân của con. Có lần, bà dò địa chỉ, cất công đi tìm cậu bạn trai năm xưa của Linh với hy vọng kết nối lại mối duyên mình nhẫn tâm cắt đứt.
Giờ bà không cần “môn đăng hộ đối”, chỉ cần con có được hạnh phúc. Nhưng người yêu cũ của con bà đã có vợ con đề huề, nghe đâu sau khi bị bà cấm cản, cậu ấy thi đỗ đại học, sau đó về đầu tư phát triển trang trại, kinh tế rất vững chắc.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự can thiệp thiếu tinh tế của ba mẹ vào chuyện tình cảm của con dễ khiến tình cảm giữa thêm xa cách hoặc có thể đẩy con đến những quyết định sai lầm.
Thực tế, phần lớn các mối quan hệ yêu đương bị ngăn cản, càng cấm người trong cuộc lại càng quyết liệt đến với nhau nhưng một số trường hợp không bước qua được rào cản, rơi vào hội chứng sợ yêu Philophobia. Họ không còn hứng thú với tình yêu do xuất hiện nỗi sợ vô hình do biến cố hay chấn thương tâm lý.
Việc ba mẹ cấm đoán chuyện yêu đương của con là điều không nên làm vì có thể gây hậu quả ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của con. Hôn nhân chỉ thực sự bền vững khi xuất phát từ tình cảm của hai phía, người trong cuộc sẽ có quan điểm và lý lẽ riêng về sự lựa chọn của mình.
Sự định hướng của ba mẹ sẽ giúp con cái đưa ra những quyết định đúng đắn. Nhưng tất cả chỉ nên dừng lại ở mức độ quan tâm, sẻ chia, chứ không phải áp đặt. Chuyện tình cảm của con cái, yêu ai, lấy ai hãy để con tự quyết định, miễn sao con được hạnh phúc.