Một vài mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn thuê được chiếc xe ưng ý mà lại tránh những rủi ro không đáng có.
Xác định mục đích thuê
Trước khi thuê ôtô đi Tết, bạn nên xem xét kỹ mục đích của mình để chọn gói dịch vụ và loại xe cho phù hợp. Một vài tiêu chí cần phải xem xét như: Đích đến ở đâu, quãng đường đi bao xa, đường đi dễ hay khó, đi trong mấy ngày, xe chở bao nhiêu người… để chọn được chiếc xe tốt và phù hợp.
Chọn gói dịch vụ thuê xe
Thuê xe là lựa chọn của nhiều người có nhu cầu đi lại trong dịp Tết. |
Sau khi có ý tưởng về loại xe định thuê, bạn nên cân nhắc gói dịch vụ thuê xe. Bạn hãy chọn loại xe phù hợp bằng cách quan tâm xem xe thuê sẽ tính theo ngày hay theo km. Nếu thuê theo ngày nhưng hạn chế km thì bạn phải chú ý chủ xe sẽ tính 1 km phụ trội giá bao nhiêu tiền, tránh bị hớ về sau.
Tìm địa chỉ uy tín
Để đảm bảo thuê được xe trong thời gian mong muốn với giá hợp lý, bạn hãy tìm một số địa chỉ cho thuê xe uy tín trước khi đưa ra quyết định. Bạn hãy tìm kiếm thông tin trên Internet hoặc tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè về địa điểm thuê xe ôtô uy tín, gọi điện hoặc đi đến tận nơi để khảo giá.
Đặt xe sớm
Nếu đã quyết định được chiếc xe muốn thuê và chi phí phải trả, bạn nên đặt xe sớm để tránh tình trạng hết xe hoặc tăng giá do “cháy hàng”. Thông thường, bạn phải đặt cọc khoảng vài triệu để giữ xe. Bạn không nên đặt xe online vì việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như bị đẩy giá lên, thay đổi xe bạn muốn thuê…
Kiểm tra giấy tờ xe
Trước khi đặt xe, bạn nên kiểm tra kỹ giấy tờ xe về thời hạn lưu hành, đăng ký, đăng kiểm xe... Trong trường hợp bị cảnh sát tuýt còi, nếu giấy tờ xe và thời hạn lưu hành xe đã hết, rất có thể bạn sẽ gặp rắc rối to.
Kiểm tra ngoại thất
Trước khi thuê xe, bạn nên kiểm tra thật kỹ vỏ xe. |
Khi thấy giấy tờ xe đã ổn, bạn không được bỏ qua qua khâu kiểm tra xe. Việc kiểm tra xe không chỉ để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng mà còn rất cần thiết để tránh những tranh cãi không đáng có hay những phiền hà về đền bù khi trả xe.
Trước hết, bạn hãy kiểm tra thật cẩn thận phía bên ngoài xe, soi thật kỹ các vết xước, vết móp trên vỏ xe, vành bánh, gương kính.... Những chi tiết rất nhỏ như: Cần gạt nước, bóng đèn xi nhan, đèn gương, đèn sương mù... cũng cần kiểm tra cẩn thận trước khi nhận xe.
Bên cạnh đó, với một số mẫu xe, bạn cũng cần để mắt đến cả lốp sơ cua và phụ tùng đi kèm như đồ nghề, kích… Sau đó, bạn hãy chỉ rõ cho chủ xe rồi ghi chi tiết vào thoả thuận nếu người thuê không muốn mất tiền oan.
Kiểm tra nội thất
Sau khi đã kiểm tra ngoại thất, bạn hãy tìm hiểu nội thất trong xe. Khi bước vào xe, bạn hãy bật khóa điện, khởi động máy và kiểm tra ổ đĩa CD, DVD, hệ thống loa, còi, cảm biến lùi...
Nếu một trong những thiết bị trên không hoạt động hoặc có hoạt động phập phù, thì bạn phải yêu cầu bên cho thuê xác nhận tình trạng của thiết bị đó, hoặc yêu cầu niêm phong thiết bị đã bị hỏng rồi ký vào phần ghi chú của hợp đồng thuê xe.
Sau đó, bạn hãy kiểm tra bề mặt tất cả các ghế ngồi trên xe, sàn lót dưới chân xem có nơi nào bị cháy hoặc rách hay không. Bạn cũng không nên bỏ qua các bộ phận khác ở phần nội thất như: Mặt táp lô, tay nắm cửa phía trong xe, hệ thống kính điện... xem chúng còn hoạt động tốt hay không.
Để an tâm đi xa, bạn kiểm tra xem xe có lốp dự phòng còn sử dụng được hay không, các thiết bị hỗ trợ khác như: Kích xe, hộp đồ, cầu chì và bóng đèn sơ cua... Nếu thiếu một trong những dụng cụ trên thì bạn phải yêu cầu bên cho thuê bổ sung ngay rồi mới nhận xe. Cuối cùng, bạn hãy kiểm tra kẹp chì ở đồng hồ công-tơ-mét, số km đã đi, lượng xăng còn lại trong bình.
Lái thử xe
Lái thử xe là một việc rất quan trọng trước khi quyết định thuê xe. |
Để yên tâm trước khi nhận xe, bạn nên yêu cầu bên cho thuê được đi thử xe một vòng để kiểm tra hệ thống lái, giảm xóc, điều hòa... Điều này có thể giúp bạn nhận ra những trục trặc của xe, tránh những sửa chữa không đáng có khi xe đã về tay bạn. Ngoài ra, việc này cũng giúp bạn có thời gian để làm quen với chiếc xe.
Làm hợp đồng chặt chẽ
Không chỉ kiểm tra xe kỹ, bạn cũng nên xem xét các điều khoản thoả thuận và hỏi kỹ về gói dịch vụ: Thời gian cho thuê, hạn chế bao nhiêu km/ngày và giá tiền km phụ trội. Trước khi nhận xe, lập biên bản để xác định tình trạng của xe một cách rõ ràng, cụ thể.
Khi thoả thuận đặt cọc hãy thêm điều khoản đền bù cụ thể của chủ xe trong trường hợp không giao xe đúng hẹn, không đúng loại xe đã hợp đồng,... Chẳng hạn, trong hợp đồng thuê xe tự lái thường có mục thuê xe loại nào, đời xe, biển số xe, màu xe... Song, nếu bạn không để ý tới điều khoản này thì hầu hết chủ xe đều bỏ qua luôn để tránh bị ràng buộc, và khi giao xe, nhiều khách hàng đã phải nhận những chiếc xe cũ, không an toàn...