Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vừa công bố danh sách các cá nhân, tổ chức dính líu tới Hồ sơ Panama, đáng chú ý trong đó có 189 cá nhân, tổ chức đến từ Việt Nam. Thông tin này ngay lập tức làm nóng dư luận Việt. Ngày 10/5, Tổng cục Thuế đưa ra quyết định trong cuộc họp khẩn với các Vụ chức năng về việc thành lập một Tiểu ban tiến hành nghiên cứu, điều tra về khả năng trốn thuế của 189 cá nhân tổ chức liên quan đến Việt Nam trong hồ sơ Panama được công bố trước đó.
Công ty Việt trong "Hồ sơ Panama" chủ yếu đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh. (Ảnh: offshoreleaks.icij.org). |
Theo đó, Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như: Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền... Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của pháp luật Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế hay không.
Vấn đề này đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều người đặt câu hỏi nếu phát hiện những cá nhân, tổ chức thực sự trốn thuế thật thì theo luật sẽ bị xử phạt như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm TVPL TP HCM – TW Hội Luật gia Việt Nam) phân tích: “Những cá nhân tổ chức có tên trong danh sách Panama, tôi nghĩ rằng họ có nhiều dạng khác nhau. Nhưng chắc chắn có một số liên quan đến các khoản tiền đáng ngờ. Sự giao dịch tiền đáng ngờ có thể dẫn tới hành vi trái pháp luật Việt Nam và cần được làm rõ theo quy định tại Điều 5 và Điều 10 Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày ngày 07 tháng 06 năm 2005. Nó là một trong các dấu hiệu dẫn đến hành vi rửa tiền. Ngoài ra, các khoản tiền đáng ngờ trong hồ sơ Panama cũng có thể liên quan đến hành vi trốn thuế, một loại tội phạm về tài chính khá nhiều ở Việt Nam, mà mức án tù có thể lên đến 7 năm theo Điều 161 BLHS”.
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng nói thêm, nói như thế không có nghĩa là tất cả những cá nhân, tổ chức có tên trong hồ sơ này đều bị nghi ngờ liên quan đến việc vi phạm. Người ta có quyền khai thu nhập nơi này thay vì khai nơi kia để giảm nhẹ khoản thuế. Điều này luật pháp Việt Nam và một số quốc gia thừa nhận và bảo hộ. Vấn đề là cần xem xét từng trường hợp để xác định họ có vi phạm pháp luật hay không và ở mức độ nào.