Kết phiên giao dịch ngày 9/10, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) đã giảm hết biên độ về mức giá sàn 12.600 đồng/cp (giảm 10%), trắng bên mua với gần 1,18 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn. So với vùng đỉnh hồi tháng 8/2023, cổ phiếu TAR đã giảm gần 45% sau 2 tháng.
Cổ phiếu TAR giảm sàn sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc chuyển cổ phiếu TAR từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10/2023 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.
Vì sao TAR nhận án phạt?
Trước đó, cổ phiếu TAR đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/9/2023 do Gạo Trung An chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn.
Ngoài việc cổ phiếu bị chuyển sang diện kiểm soát, Gạo Trung An và Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Phạm Thái Bình còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt do loạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Gạo Trung An bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt lên đến 487,5 triệu đồng do 7 vi phạm liên quan đến thị trường chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý là doanh nghiệp đã vi phạm khi không công bố nhiều thông tin phải công bố theo quy định pháp luật; cũng như công bố thông tin sai lệch và công bố thông tin không đúng thời hạn.
Cổ phiếu vào diện kiểm soát, lợi nhuận Gạo Trung An ra sao? (ảnh minh hoạ: Internet). |
Mặt khác, Gạo Trung An còn bị xử phạt bởi các lỗi như: Không đảm bảo thành viên Ban kiểm soát đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định; công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật; không xây dựng, trình đại hội đồng cổ đông thông qua quy chế hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát… Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh cáo Gạo Trung An và buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin do công bố sai lệch.
Đối với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Gạo Trung An bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 92,5 triệu đồng do thực hiện hợp đồng, giao dịch khi chưa được Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc HĐQT công ty chấp thuận.
Lợi nhuận giảm
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2023, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp đạt 2.513 tỷ đồng và 132 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và giảm 23% so với cùng kỳ. Điều này do giá vốn bán hàng tăng khiến cho lợi nhuận gộp bị thu hẹp. Lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận ở mức 605 triệu đồng, giảm xuống mức 98% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tính riêng quý II/2023, Gạo Trung An báo lỗ 8 tỷ đồng, so với mức lãi 23 tỷ đồng cùng kỳ quý II/2022. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019. Việc ghi nhận khoản lỗ lớn quý II/2023 đã kéo tụt kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của doanh nghiệp này.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, Gạo Trung An cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Gạo Trung An đang dừng ở mức là 2.752 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với đầu năm. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 1.548 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm 1.537 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm hơn 11 tỷ đồng…
Hồi cuối tháng 8, Gạo Trung An từng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX xin gia hạn công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên đến ngày 30/9 do công ty đang tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng. Cùng với đó, đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục soát xét, thu thập, đánh giá thêm thông tin liên quan để hoàn thiện báo cáo.
Cần lưu ý, nếu doanh nghiệp buôn gạo tiếp tục chậm công bố thêm 15 ngày nữa (3 tuần làn việc), cổ phiếu TAR có nguy cơ bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch theo quy định.