Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo (trái) nhận quyết định niêm yết cổ phiếu. |
Sáng nay 21/4, tại Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, hơn 1,29 tỷ cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức chào sàn HOSE với giá tham chiếu 43.200 đồng.
Chịu áp lực chốt lời mạnh, đồng thời thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh đi xuống, song nội lực vững vàng và tiềm năng tăng trưởng lớn của Petrolimex đã giúp duy trì sắc xanh cổ phiếu PLX. Tăng trần đầu phiên đạt 51.800 đồng/cổ phiếu, PLX chốt phiên giao dịch sáng tại mức giá 48.250 đồng/CP, tăng 11,7% so với giá chào sàn và khối lượng khớp lệnh đạt 3,49 triệu đơn vị.
Petrolimex giữ vị trí số 1 với gần 50% thị phần cả nước, hệ thống phân phối rộng khắp với 2.400 cửa hàng phủ khắp 63 tỉnh thành, hơn 5.300 cột bơm.
Hệ thống kho chứa của Petrolimex lên đến 2,2 triệu m3, lớn nhất cả nước và 570km đường ống dẫn dầu và là đơn vị duy nhất có kho ngoại quan tiếp nhận tàu chở dầu cỡ lớn 150.000 DWT; giúp Petrolimex chủ động được nguồn hàng và giảm thiểu tối đa các chi phí trong việc vận chuyển xăng dầu.
Không chỉ công ty mẹ Petrolimex dẫn đầu trong phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn cũng đạt được quy mô trong nhóm dẫn đầu của từng ngành hoạt động. Chẳng hạn, Tổng công ty vận tải xăng dầu đứng hàng đầu Việt Nam về số lượng tàu, về vận chuyển hàng hải; hay Tổng công ty Hóa dầu (PLC) cũng ở vị trí dẫn đầu về dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất; hay PGC là tổng công ty mạnh về mạng lưới bán lẻ gas...
Petrolimex hiện có Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy (JX NOE) là đối tác chiến lược (sở hữu 8,0% cổ phần). Tỷ lệ cổ phiếu lưu hành của Petrolimex khá cô đặc. Hiện, vốn nhà nước tại Tập đoàn đạt 75,87%, cố phiếu quỹ 12%, đối tác chiến lược năm 8%.
Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của Petrolimex đạt 123.127 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.166 tỷ đồng.
Tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 163.221 tỷ đồng vào năm 2017 và cán mốc 202.202 tỷ vào năm 2020. Cổ tức tối thiếu là 12% trong vòng 3-5 năm tới.