Bất đồng trong việc cắt giảm sản lượng giữa nhóm OPEC+, đặc biệt là giữa Saudi Arabia và Nga đã đẩy giá dầu xuống mức thấp tương tự đợt khủng hoảng năm 2008.
Chỉ trong khoảng 1 tháng qua, giá dầu Brent đã giảm tới 30% và dầu Crude Oil giảm 29%. Chứng kiến sự giảm giá mạnh này, giới đầu tư đang chờ đợi những hành động cụ thể từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để dự liệu tương lai doanh nghiệp ngành dầu khí.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex sụt 2,26 USD (tương đương 8%) xuống 26,08 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 1,06 USD (tương đương 3,1%) còn 33,05 USD/thùng.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, giá dầu có thể tạo đáy trong quý 2/2020 khi nguồn cung tăng mạnh từ tháng 4 và dịch Covid-19 đạt đỉnh, sau đó, dầu sẽ tăng trở lại trong quý 3/2020.
VNDirect đã hạ kịch bản giá dầu bình quân từ 62 USD/thùng xuống 45 USD/thùng cho năm 2020 và từ 65 USD/thùng xuống 55 USD/thùng cho năm 2021.
Giá dầu giảm mạnh, cùng dịch COVID-19 lan rộng đã khiến nhóm dầu khí GAS, PVD, PVS... diễn biến tiêu cực.
Giá dầu giảm sâu trong 3 tháng qua. |
Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) giảm 36% từ đầu năm về mức 62.900 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa bốc hơi gần 67.000 tỷ đồng.
Cả năm 2019, PV Gas ghi nhận doanh thu giảm nhẹ còn 75.348 tỷ đồng. Hoạt động tài chính hiệu quả cùng tiết giảm chi phí giúp doanh nghiệp có lãi 12.159 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.
Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch doanh thu còn 66.163 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.294 tỷ đồng. Các kế hoạch sản lượng khí, condensate và LPG cũng đều thấp hơn năm 2019. Được biết các kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản giá dầu 60 USD.
SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng của PV Gas đạt 2,9% trong năm 2020. Sản lượng khí khô trong giai đoạn 2020-2021 hầu như sẽ đi ngang (khoảng 10 tỷ m3 như hiện tại), do nguồn khí mới Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ bắt đầu cung cấp trong quý 4 chỉ có thể bù đắp cho phần giảm sản lượng tại bể Nam Côn Sơn.
Tăng trưởng sản lượng khí đáng kể có thể bắt đầu vào cuối năm 2022 khi dự án LNG Thị Vải đi vào hoạt động và sau đó là dự án LNG Sơn Mỹ.
Cổ phiếu PVD của CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí giảm gần 46% trong vòng 3 tháng về 8.620 đồng/cp, mức giá thấp nhất trong lịch sử niêm yết. PVD có nhiều việc hơn khi nhu cầu khoan tại Đông Nam Á được cải thiện, tuy nhiên giá thuê giàn khoan còn thấp cùng giá dầu giảm sâu là tác nhân tiêu cực.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tổng doanh thu PVD trong năm 2020 sẽ đạt 4.813 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ khoan được dự báo đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 20% nhờ doanh thu đóng góp thêm từ 1 giàn jackup thuê ngoài với hiệu suất sử dụng ước tính khoảng 70% (hiện tại PVD đang có 3 giàn thuê ngoài).
Giá thuê giàn khoan jackup tăng nhẹ 6% lên mức 65.000 – 67.000 USD/ngày; Giàn PVD 11 đạt hiệu suất sử dụng 30% trong năm 2020.
Với giá thuê giàn và hiệu suất cải thiện, BVSC dự phóng biên lợi nhuận gộp từ mảng dịch vụ khoan của PVD sẽ cải thiện lên 7,6% từ mức 3% hiện tại.
Cổ phiếu PVS của CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam giảm 37% trong quý qua về vùng 11.800 đồng/cp.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 35% trong năm 2020 nhờ ghi nhận từ dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt, Gallaf - Al Shaheen, Salman Development và LNG Thị Vải. SSI cũng lưu ý rằng lợi nhuận của PVS có thể sẽ tăng cao hơn nếu hợp đồng cho thuê FPSO Lam Sơn với PVEP chính thức được ký kết…
Cổ phiếu PVB của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating) giảm 45% trong 3 tháng qua về mức 10.100 đồng/cp. Triển vọng lợi nhuận của PV Coating phụ thuộc nhiều vào kế hoạch đầu tư của công ty mẹ PV Gas, nhất là dự án đường ống dẫn khí 126 km ngoài khơi Nam Côn Sơn 2 và đường ống Sao Vàng Đại Nguyệt.
Năm 2019, PV Coating ghi nhận doanh thu 383 tỷ đồng, tăng 89%. Nhờ kết quả khởi sắc cuối năm, Công ty xóa được lỗ 9 tháng và ghi nhận lãi hơn 38 tỷ đồng cả năm, tăng 65% so với năm 2018 và gấp đôi kế hoạch đề ra.
Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã giảm 23% thị giá xuống 6.400 đồng/cp. PV Oil dù đang mở rộng nhanh nhưng chưa mang nhiều hiệu quả. Doanh thu Công ty tăng qua từng năm và đạt kỷ lục 79.920 tỷ đồng năm 2019; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có chiều hưởng giảm chỉ còn 330 tỷ đồng.
Cổ phiếu OIL bị điều chỉnh còn ảnh hưởng từ việc chậm trễ trong lộ trình thoái vốn Nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, khả năng tăng thị phần và cải thiện hiệu quả biên lợi nhuận, khả năng thương thảo hợp đồng với các nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn…