Kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, chỉ số VN-Index và toàn thị trường giảm điểm mạnh. Là nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản xây dựng liên tục giảm điểm.
Kết phiên 26/3, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,57%) lên 694,21 điểm; HNX-Index giảm 2,28% xuống 97,81 điểm; UPCoM-Index giảm 1,07% xuống 49 điểm.
Nhóm VN30 ghi nhận 21 mã giảm giá, trong đó cổ phiếu ROS giảm sàn xuống giá thấp nhất lịch sử 3.990 đồng/cp; nhiều Bluechips cũng giảm sâu như MWG, HPG, STB, FPT, MBB khiến VN30-Index giảm gần 6 điểm. Các hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh cũng đều giảm sâu, thậm chí chênh lệch âm lên tới hơn 20 điểm.
Các nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản, hàng không, bán lẻ đều chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, cổ phiếu họ Vingroup ngược dòng với VIC tăng kịch trần, VHM và VRE tăng lần lượt 3,2% và 5,8%.
Cổ phiếu bất động sản xây dựng đỏ lửa vì Covid-19. |
Dù phiên 26/3, nhóm họ Vingroup tăng kịch trần nhưng xét trong hơn 2 tháng qua, kể từ ngày mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán (30/1), VRE giảm gần 39% từ hơn 32.000 đồng/cp về còn 20.000 đồng/cp; VHM giảm gần 32% về còn 61.000 đồng/cp; VIC giảm gần 29% còn 81.800 đồng/cp từ mức 114.900 đồng/cp.
Xét về mức độ giảm nhiều có thể kể đến ROS (một trong những mã cổ phiếu trong nhóm họ FLC) với mức giảm hơn 61% kể từ phiên mở cửa sau Tết 30/1, trong đó có đến 12 phiên cổ phiếu ROS kết phiên ở giá sàn.
Đà giảm sâu của cổ phiếu ROS bắt đầu từ cuối tháng 12/2019. Chỉ trong vòng gần 3 tháng, cổ phiếu này đã đánh mất gần 80% thị giá.
Cũng nguyên nhân do thị giá giảm sâu nên Công ty Chứng khoán HDB (HDBS) mới đây có thông báo thực hiện bán giải chấp cổ phiếu ROS của người nội bộ là ông Trịnh Văn Quyết vào ngày 24/3. Số lượng cổ phiếu bán ra là 3 triệu cổ phiếu.
Trước đó, HDBS cũng đã công bố thông tin về việc bán giải chấp 2 triệu cp ROS của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Khách sạn và Khu Nghỉ dưỡng FLC. Thời điểm bán giải chấp kể từ 5/2.
Tuy nhiên theo nguồn tin từ FLC, trong chiều 23/3, tiền đã được chuyển bổ sung vào tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Do vậy HDBS đã hủy thông báo bán giải chấp chứng khoán với cổ phiếu ROS. Vì vậy mà thông tin này đã được gỡ bỏ trên website của HDBS.
Cũng nằm trong top những cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản có cổ phiếu lao dốc là FLC. Kết phiên 26/3, FLC dừng tại mức 3.060 đồng/cp, giảm gần 31% so với phiên 30/1.
Một ông lớn khác là HBC cũng trải qua đợt điều chỉnh giá mạnh khi thị giá lao dốc 40% trong thời gian sau Tết trở lại đây.
Trước tình hình này, Hòa Bình dự kiến lập một Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua Quỹ nói trên để tăng niềm tin của cổ đông và các nhà đầu tư.
“Hiện nay giá cổ phiếu HBC chỉ ở mức tương đương 50% so với giá trị sổ sách. Sỡ dĩ có tình trạng này là do tác động tâm lý của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; mặt khác, do nhiều cổ đông đã đầu tư vào cổ phiếu HBC bằng tiền vay với thế chấp bởi chính cổ phiếu HBC đã bị buộc phải bán ra để trả nợ khi giá xuống quá thấp”, Chủ tịch Lê Viết Hải nhấn mạnh.
Biến động cổ phiếu của một vài cổ phiếu nhóm bất động sản xây dựng. |
Còn cổ phiếu NLG đã giảm đến 27% về còn 20.500 đồng/cp, mức giá này được xác lập là mức giá thấp nhất kể từ tháng 6/2017. Cổ phiếu NVL hay PDR cũng sụt giảm 7,5% và 5,3% về mức 51.8000 đồng/cp và 25.100 đồng/cp.
Thị giá cổ phiếu giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp thông báo mua lại cổ phiếu quỹ hay nhiều lãnh đạo chủ chốt ra tay gom cổ phiếu để góp phần đỡ giá cổ phiếu.
Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết sẽ trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2019 để mua 10 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ từ 3/4 đến 2/5 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. “Giao dịch nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường”, phía Công ty cho biết thêm.
Hay Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Xuân Quang đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu NVL trong thời gian từ 30/3 đến 28/4 để nâng sở hữu tại Nam Long lên 15,3%.
Một vị lãnh đạo khác cũng đăng ký mua vào cổ phiếu trong thời gian này là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL).
Được biết, Chủ tịch Novaland đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu NVL sau khi vừa mua thành công 9,4 triệu cổ phiếu trước đó. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 20/3 đến 18/4 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu mua thành công toàn bộ số cổ phần trên, tỷ lệ cổ phần của ông Nhơn tại Novaland sẽ tăng từ 20,7% lên 21,3%.
Trước đó, ông Nhơn vừa mua thành công 9,4 triệu cổ phiếu Novaland trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua từ 11/2 đến 11/3. Lý do chủ tịch Novaland không mua được toàn bộ số cổ phần đăng ký do chưa hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phiếu.
Báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, năm 2020 được đánh giá là một năm nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội đối với doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, nhiều dự án đang triển khai và ít nợ vay sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Những cổ phiếu cơ bản đầu ngành hoặc có lợi thế cạnh tranh như VHM của CTCP Vinhomes, NVL của CTCP Tập đoàn Ðầu tư Ðịa ốc No Va (Novaland), DXG của CTCP Tập đoàn Ðất Xanh hay NLG của CTCP Ðầu tư Nam Long... nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và nhận được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong kỳ vừa qua như HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô NTL của CTCP Phát triển Ðô thị Từ Liêm, LDG của CTCP Ðầu tư LDG… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020. Giá thuê đất tăng mạnh giúp kết quả kinh doanh nghiều doanh nghiệp nhóm này tăng trưởng đột biến. |