Cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn: UBND tỉnh Bình Định mắc sai phạm gì?

(Kiến Thức) - Trong thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND tỉnh Bình Định.

Hành động “lạ” của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010 -2015
Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm của UBND tỉnh Bình Định trong việc đề xuất, tham mưu, quyết định tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ nhận định, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ (tại văn bản số 1115/UBND-KTN ngày 04/4/2013), sau đó tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tại Văn bản số 628/UBND-TH ngày 25/02/2014).
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có Văn bản số 1062-CV/TU ngày 13/7/2015 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Co phan hoa Cang Quy Nhon: UBND tinh Binh Dinh mac sai pham gi?
Cảnh Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN 
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Hàng loạt sai phạm trong việc giao đất
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND tỉnh Bình Định trong việc giao đất cho Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đầu tư mở rộng Cảng.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định cho Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn quản lý, sử dụng 281.834,8 m2 đất theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Tuy đã quá thời hạn ổn định 5 năm tính từ thời điểm được Nhà nước quyết định cho thuê đất, nhưng Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Quy Nhơn chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất áp dụng cho thời gian tiếp theo là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Trách nhiệm chính thuộc về Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cho Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn quản lý, sử dụng 813,3 m2 đất Trạm cấp nước ngọt cho tàu biển theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất là không đúng đối tượng, không đúng mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 33 và Điểm e Khoản 1 Điều 35 Luật Đất đai năm 2003, dẫn đến Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn không phải nộp tiền thuê đất, làm thất thu NSNN.
Theo Thanh tra Chính phủ, Trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Bình Định.
Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ vi phạm, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục như việc ngày 21/11/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4365/QĐ-UBND chuyển hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất trả tiền hàng năm đối với 813,3 m2 đất Trạm cấp nước ngọt cho tàu biển kể từ thời điểm doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần.
Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn đã ra Thông báo nộp tiền thuê đất từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2017 với số tiền phải nộp là 107,1 triệu đồng; ngày 22/11/2017, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp NSNN 107,1 triệu đồng.
Ngày 23/11/2017, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã điều chỉnh đơn giá thuê đất của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn áp dụng cho kỳ ổn định đơn giá thuê đất 5 năm tiếp theo 2017-2021 là 46.191 đồng/m2/năm;
Ngày 22/11/2017, Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn ra Thông báo nộp tiền thuê đất năm 2017 theo đơn giá mới với tổng số tiền 13,027 tỷ đồng, số phải nộp bổ sung là 5,408 tỷ đồng; ngày 22/11/2017, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp NSNN 5,408 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn theo “Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế khu vực và địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, trong đó có nguyên nhân do dự án chưa có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, chưa giải phóng được mặt bằng, cần phải tập trung giải quyết. Trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, Nhà đầu tư chiến lược và UBND tỉnh Bình Định.
Trước những vi phạm khuyết điểm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.
Nhiều vi phạm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn
Theo kết luận thanh tra, năm 2009, Thủ tướng có quyết định số 2190 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó Cảng Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực (loại I), cảng tổng hợp quốc gia, là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ngày 4/02/2013, Thủ tướng ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, giai đoạn 2012-2015 thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 75% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.
Cảng Quy Nhơn do Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý có 03 cầu cảng với tổng chiều dài là 824m (Cầu 5.000 DWT được xây dựng trước năm 1975; Cầu 10.000 DWT là bến nhô, xây dựng năm 1995; Cầu 30.000 DWT xây dựng năm 2004). Khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ là 192,579 tỷ đồng do Vinalines sở hữu 100%.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013 cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo phương thức Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 08/9/2014 cho phép bán hết 49% vốn do Vinalines đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư trong nước; Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.
Giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2013 để cổ phần hóa là 513,823 tỷ đồng; nợ phải trả là 109,723 tỷ đồng; giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 192,579 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn nhà nước xác định lại là 404,099 tỷ đồng, tăng 211,52 tỷ đồng so với giá trị trên sổ sách kế toán. Tổng số cổ phần phát hành lần đầu là 40.409.950 cổ phần, trong đó: Nhà nước (Vinalines) nắm giữ 30.307.462 cổ phần (75% vốn điều lệ), bán cho các nhà đầu tư 10.102.488 cổ phần (25% vốn điều lệ).
Ngày 12/9/2013, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức bán đấu giá cổ phần Cảng Quy Nhơn, giá đấu thành công: cao nhất là 20.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 12.200 đồng/cổ phần, bình quân là 12.792 đồng/cổ phần. Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng.
Qua thanh tra cho thấy, trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông vận tải, Vinaline, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm.

Tin mới