Khi xây dựng các tòa nhà này, công ty đến từ Hàn Quốc coi đây là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng về xây dựng, dịch vụ, thúc đẩy phát triển cho TP.Hà Nội.
Toà nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 72 tầng được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất Việt Nam và đứng thứ 5 thế giới về tổng diện tích của một công trình kiến trúc đơn lẻ.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ công trình là 1,05 tỷ USD, bao gồm 2 tòa chung cư cao cấp 48 tầng và tòa nhà tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm giải trí 72 tầng. Tuy nhiên, thực tế, các căn hộ ở hai khối nhà 48 tầng đã được bán gần hết cho các cư dân.
Tòa nhà Keangnam |
Năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, đẩy giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn.
Theo thông tin của Công ty Keangnam Vina - chủ sở hữu khu Keangnam Ha Noi Landmark Tower, trong số 3 tòa nhà cao tầng của tổ hợp Keangnam, có 2 tòa nhà chung cư cao 48 tầng với 922 căn hộ cao cấp, hoàn thành, bàn giao căn hộ vào tháng 3.2011, hiện đã lấp đầy khoảng 70 - 80% tổng số căn hộ.
Đứng sát bên cạnh, chung khối đế với các tòa chung cư này là tòa tháp Keangnam Landmark 72, cao 350 mét - cao nhất Việt Nam. Suốt thời gian thi công, công trường thi công tòa Landmark 72 luôn có 8.000 công nhân làm việc ngày đêm.
Bên trong khu Keangnam gồm có bể bơi, khu mua sắm Parson, rạp chiếu phim Lotte... Tuy nhiên, mới đây trung tâm mua sắm Parson tại tầng 1 của tòa tháp đã đóng cửa.
Tòa tháp Landmark 72 có khu vực văn phòng hạng A từ tầng 12 đến tầng 46, có view thoáng ra phong cảnh toàn TP.Hà Nội. Từ tầng 48 đến tầng 60 là khu căn hộ dịch vụ cho thuê, còn từ tầng 62 đến 70 là khách sạn Intercontinental.
Điểm được nhiều người biết đến nhất của tòa nhà cao nhất Việt Nam là đài quan sát trên nóc tòa nhà. Ở độ cao 350 mét, khách thăm quan có thể ngắm toàn cảnh TP.Hà Nội từ trên cao.
Bên cạnh đó, hội trường lớn trong tòa nhà có sức chứa đến 2.000 người. Ngoài ra, trong khuôn viên khu vực tòa nhà cao nhất Việt Nam còn có khu tổ chức sự kiện ngoài trời, bar ngoài trời, bể bơi ngoài trời...
Trước đó, chia sẻ về quá trình xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam, chủ đầu tư cho biết, do nền đất ở Hà Nội không vững chắc nên đã phải dùng loại cọc lớn, tổng cộng phải dùng đến 980 chiếc cọc có đường kính hơn 2 mét để đóng xuống. Riêng thời gian làm móng cho cả khu phức hợp là đã mất hơn 1 năm.
Để rút ngắn thời gian thi công, các tòa nhà đã sử dụng rất nhiều công nghệ thi công tiên tiến trên thế giới. Điển hình nhanh là chỉ trong 5 ngày đã dựng xong cốt pha một tầng của tòa Landmark 72 với diện tích mỗi sàn rộng trên 5.000m2.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam liên tiếp vướng phải những rắc rối lớn về sai phạm an toàn xây dựng (khiến 7 công nhân tử vong), vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.
Song song với đó là không ít vướng mắc chưa thể tháo gỡ với cư dân hai tòa chung cư cao cấp 48 tầng về vấn đề ăn gian diện tích xây dựng, giá và chất lượng dịch vụ...
Keangnam Landmark cũng là dự án vướng phải khá nhiều kiện tụng do phí chung cư quá đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì… lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà.
Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích…
Sau gần 50 năm tồn tại và phát triển, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises đang đứng trên bờ vực phá sản. Để tự cứu lấy mình, Keangnam buộc phải rao bán một loạt các dự án xây dựng tại nước ngoài và cả Landmark 72 tại Việt Nam, công trình mà cố Chủ tịch Sung Wan-Jong đặt nhiều hy vọng.