Từ cáo buộc chiếm đoạt văn hóa cho đến những bộ trang phục thiếu tinh tế, dưới đây là những thương hiệu và người nổi tiếng đã phải nhận làn sóng chỉ trích với những quyết định được cho là vô cảm, lạc lõng và không bao quát.
Hoodie ‘thòng lọng’ của Burberry
|
Thiết kế gây tranh cãi của Burberry. Ảnh: REX. |
Vào tháng 2, thương hiệu Burberry của Anh đã gây xôn xao tại Tuần lễ thời trang London khi trình diễn một chiếc áo hoodie có dây giống thòng lọng.
Liz Kennedy, người mẫu trong bộ trang phục trên sàn diễn, đã đăng bài chỉ trích thiết kế này nhắm vào thương hiệu và giám đốc sáng tạo của hãng Riccardo Tisci.
“Tự tử không phải là thời trang”, cô viết trên Instagram.
Burberry đã thu hồi chiếc áo hoodie và Tisci xin lỗi.
“Tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất bình gây ra bởi một tác phẩm trong chương trình của tôi”, ông cho biết. “Tuy thiết kế được lấy cảm hứng từ chủ đề hàng hải, tôi nhận ra rằng nó thật thiếu nhạy cảm. Tôi không bao giờ muốn làm ai tức giận”.
Áo ‘mặt đen’ của Gucci
|
Gucci đã thu hồi dòng sản phẩm gây tranh cãi. Ảnh: Gucci. |
Thương hiệu Italia này chịu hàng loạt chỉ trích với các mẫu thiết kế khó hiểu vào tháng 2, khi hãng cho ra mắt chiếc áo len kiểu balaclava mà các nhà phê bình cho là giống như hóa trang người da màu.
Nổi bật với phần cổ dài và viền môi đỏ, chiếc áo giá 890 USD gây ra một làn sóng chỉ trích. “Tôi là người da màu trước khi tôi làm một thương hiệu ... Không có lời bào chữa hay xin lỗi nào có thể xóa bỏ sự xúc phạm này”, Dapper Dan, cộng tác viên của Gucci đăng lên Twitter.
Chiếc áo len đã được thu hồi và trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà phát hành ấn phẩm thời trang WWD, giám đốc điều hành của Gucci, Marco Bizzarri, nói: “Đây là do sự thiếu hiểu biết. Chắc chắn không phải là cố ý, nhưng cũng khó có thể tha thứ”.
Bizzarri tiếp tục gặp Dapper Dan và các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Harlem, New York, và tuyên bố công ty sẽ khuyến khích tuyển dụng đa dạng, đồng thời khởi động một chương trình nâng cao nhận thức về sự đa dạng và toàn diện.
Nhưng Gucci đã có hai động thái gây tranh cãi khác trong năm nay. Một là chiếc mũ khăn có tên gọi “Indy Full Turban” được bán trên Nordstrom với giá 790 USD, đối tượng bị chỉ trích trong những bài đăng của người Sikh hồi đầu năm. Thứ hai là trình diễn một loạt áo bó tay trên sàn diễn tại Tuần lễ thời trang Milan vào tháng 9, một lần nữa dấy lên nhiều chỉ trích.
Ayesha Tan Jones, người mẫu tự nhận là phi nhị nguyên giới tính - tức không nhận là nam, không nhận là nữ, giơ tay khi trình diễn với dòng chữ “Sức khỏe tâm thần không phải là thời trang” in trên lòng bàn tay.
Giày ‘mặt đen’ của Katy Perry
|
Mẫu dép gây tranh cãi của Katy Perry. Ảnh: CNN. |
Một sai lầm khác xảy ra vào tháng 2 với thương hiệu Katy Perry Collections, dòng thời trang được ngôi sao nhạc pop Katy Perry ra mắt vào năm 2017, bị cáo buộc sử dụng thiết kế mặt đen cho 2 kiểu giày của hãng.
2 mẫu gây tranh cãi, đôi dép cao gót Ora Face Block và đôi giày lười Rue Face Slip-on, nổi bật với khuôn mặt được ví như bức tranh biếm họa nô lệ “Sambo” phân biệt chủng tộc. Sau những chỉ trích từ công chúng, chúng đã bị loại bỏ khỏi các cửa hàng và trang trực tuyến.
Trong một tuyên bố chung, Perry và Global Brand Group, công ty may mặc đứng sau liên doanh của cô, cho biết đôi giày được “hình dung như sự đón nhận nghệ thuật hiện đại và siêu thực”.
“Tôi đã rất buồn khi nhận thấy đôi giày đang được so sánh với những hình ảnh đau đớn gợi nhớ khuôn mặt da màu”, Perry nói thêm. “Chúng tôi không bao giờ có ý định khơi gợi đau buồn”.
Quảng cáo của Calvin Klein
|
Người mẫu Bella Hadid và Lil Miquela – người nổi tiếng được tạo ra từ công nghệ CGI. Ảnh: CNN. |
Một video trong chiến dịch “I Speak My Truth in #MyCalvins” vào tháng 5 quay cảnh người mẫu Bella Hadid và Lil Miquela – người nổi tiếng được tạo ra từ công nghệ CGI, trao nhau một nụ hôn dài.
“Cuộc sống là những cánh cửa mở”, Hadid nói trong video.
Thông điệp không được đón nhận, thay vào đó là những chỉ trích cáo buộc thương hiệu sử dụng hình ảnh tình dục đồng tính nữ để bán quần áo, hay "queerbaiting" vì Hadid không được xác định là đồng tính.
Calvin Klein đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi trên Twitter, giải thích rằng mục tiêu của chiến dịch là “thúc đẩy tự do ngôn luận với nhiều danh tính”.
“Là một công ty có truyền thống ủng hộ quyền LGTBQ+ từ lâu”, tuyên bố nói, “chắc chắn chúng tôi không có ý định xuyên tạc về cộng đồng LGTBQ+”.
Dòng sản phẩm Kimono của Kim
|
Trên phương tiện truyền thông xã hội, Kim Karrdashian Westgọi bộ Kimono là “giải pháp định hình cơ thể thực sự hiệu quả cho phụ nữ”. Ảnh: Twitter. |
Kim Kardashian West trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi về chiếm đoạt văn hóa hồi đầu năm nay. Vào tháng 6, cô ra mắt dòng sản phẩm nội y “Kimono”.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, cô đã gọi bộ Kimono là “giải pháp định hình cơ thể thực sự hiệu quả cho phụ nữ”.
Các phản ứng đến dữ dội và nhanh chóng. Các nhà phê bình cho rằng việc sử dụng từ “Kimono” là một sự xúc phạm đối với trang phục dân tộc của Nhật Bản. Hai ngày sau thông báo, hashtag #KimOhNo trở thành xu hướng trên Twitter.
Thị trưởng thành phố Kyoto Daisaku Kadokawa đã viết thư cho Kardashian West đề nghị cô thay đổi tên goi này.
“Kimono là trang phục dân tộc truyền thống được hình thành trong thiên nhiên và lịch sử phong phú của chúng tôi qua những nỗ lực và nghiên cứu không mệt mỏi của người đi trước, và đó là nét văn hóa đã được trân trọng và truyền lại một cách cẩn thận”, ông viết.
Lúc đầu, ngôi sao bảo vệ sự lựa chọn của cô, nói rằng đó là “sự đồng tình với vẻ đẹp và sự chi tiết” của trang phục truyền thống Nhật Bản. Nhưng cuối cùng Kim đã nhượng bộ, thông báo trên Instagram vào tháng 8 rằng cô đã đổi tên thương hiệu thành Skims Solutionwear, được ra mắt vào tháng 9.
Quảng cáo Sauvage của Dior
|
Từ "Sauvage" gây tranh cãi trong quảng cáo của Dior. Ảnh: YouTube. |
Vào tháng 8, Dior đăng một quảng cáo trên phương tiện truyền thông xã hội cho dòng nước hoa của hãng, với sự tham gia của Johnny Depp trong một sa mạc đá đỏ ở Tây Nam Utah, nơi anh chơi một đoạn riff của tay guitar Shawnee Link Wray.
Đồng thời, quảng cáo có sự tham gia của nghệ sĩ biểu diễn Canku One Star, một thành viên của bộ lạc Rosebud Sioux, nhảy múa trong trang phục truyền thống của người Mỹ bản địa, và diễn viên người Canada gốc Tanaya Beatty. Khi màn đêm buông xuống trong cảnh này, từ “Sauvage” xuất hiện.
Các nhà phê bình cho rằng nhãn hàng đang củng cố định kiến bằng cách sử dụng hình ảnh người Mỹ bản địa chung với từ “man rợ” (savage), mà nhiều người cho là một sự xúc phạm chủng tộc.
Dior cho biết họ đã làm việc với các chuyên gia tư vấn người Mỹ bản địa và nhóm vận động Americans for Indian Opportunity, thu hồi clip và hủy phát hành quảng cáo.
Tuyên bố tiếp theo cho biết “Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì bất kỳ sự công kích nào gây ra bởi chiến dịch quảng cáo mới này, thứ đáng lẽ phải là sự tôn vinh nét đẹp và phẩm giá của văn hóa thổ dân Mỹ đương đại”.
Giày biểu tình của Vans
|
Thiết kế giày lấy cảm hứng từ phong trào biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong. Ảnh: Vans. |
Vans chịu nhiều phản đối ở Hong Kong vào tháng 10, khi hãng loại bỏ một đôi giày sneaker có thiết kế lấy ý tưởng từ các cuộc biểu tình chống chính quyền tại thành phố. Thiết kế được đề xuất là một trong những bài nộp cho cuộc thi Custom Culture hàng năm của thương hiệu, trong đó những người tham dự sẽ gửi ý tưởng của họ để bỏ phiếu trực tuyến công khai, với người chiến thắng nhận được 25.000 USD và được đưa thiết kế tương ứng vào sản xuất.
Bài dự thi của nghệ sĩ Naomiso ở Canada lấy hình một bông hoa bauhinia màu đỏ, biểu tượng của Hong Kong và những người biểu tình đeo mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ và mũ cứng. Mẫu này đã vươn lên dẫn đầu cuộc thăm dò nhưng đột nhiên bị nhãn hàng gỡ xuống.
Những người ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong cho rằng đây là hành động lấy lòng người tiêu dùng Trung Quốc đại lục của Vans.
“Đây là động thái lớn chống lại quyền tự do ngôn luận của tất cả những người đấu tranh tự do ở Hong Kong”, một người chỉ trích viết trên Twitter.
Trong một tuyên bố được đăng trên trang Facebook hãng sau khi xóa thiết kế, Vans cho biết “Chúng tôi chưa bao giờ có quan điểm chính trị và do đó, phải xem xét lại các thiết kế để đảm bảo chúng phù hợp với các giá trị tôn trọng và khoan dung lâu dài của công ty chúng tôi, cũng như với các quy định rõ ràng của chúng tôi trong cuộc thi này”.
Lời xin lỗi là không đủ với những người đi sneaker tại Hong Kong. Các hashtag #BoycottVans nhận được sự chú ý trên mạng và một số đã bỏ giày của họ vào thùng rác.
Versace, Givenchy và Coach ‘thiếu tôn trọng’ chủ quyền Trung Quốc
|
Người dùng Weibo chỉ trích cách Coach mô tả trạng thái của Hong Kong và Đài Loan trên áo thun của hãng. Ảnh: Weibo. |
Vào tháng 8, Versace, Givenchy và Coach đã bị cáo buộc thiếu tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc khi cho ra mắt chiếc áo phông ám chỉ Hong Kong là một quốc gia riêng biệt với Trung Quốc đại lục.
Trong danh sách các quốc gia và thành phố thủ đô, áo thun Coach và Givenchy cũng giới thiệu Đài Bắc là “Đài Bắc, Đài Loan”.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, và Hong Kong được quản lý theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Điều này dẫn đến kêu gọi tẩy chay và các người mẫu cùng đại sứ thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc tuyên bố họ sẽ cắt đứt mối quan hệ chuyên nghiệp với các nhãn hiệu.
Cả ba hãng đều đưa ra lời xin lỗi trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Donatella Versace thậm chí đã đăng một lời xin lỗi bổ sung lên Instagram cá nhân.
“Tôi chưa bao giờ muốn coi thường chủ quyền quốc gia của Trung Quốc và đó là lý do tại sao tôi muốn đích thân xin lỗi vì sự thiếu chính xác đó và bất kỳ khó chịu nào liên quan”.
H&M và bộ sưu tập GBV
|
GBV thường được sử dụng làm chữ viết tắt cho “gender-based violence” (bạo lực trên cơ sở giới tính). Ảnh: H&M. |
H&M là nhãn hiệu tiếp theo dính vào thị phi hồi tháng 11, khi tuyên bố hợp tác với nhà thiết kế người Italia Giambattista Valli dưới khẩu hiệu “Tôi yêu GBV”.
Mặc dù ba chữ cái là tên viết tắt của tên nhà thiết kế, bên ngoài giới thời trang, chúng thường được sử dụng làm chữ viết tắt cho “gender-based violence” (bạo lực trên cơ sở giới tính).
Nổi bật trên mũ, áo phông, dây chuyền và thậm chí cả quần boxer, khẩu hiệu gây phẫn nộ cho các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ. Họ yêu cầu sản phẩm phải được thu hồi.
“Đây không phải một thuật ngữ vu vơ”, Heather Barr, đồng giám đốc bộ phận quyền phụ nữ tại nhóm vận động toàn cầu Human Rights Watch, cho biết. “Riêng việc nghĩ ra câu khẩu hiệu này cũng đã cho thấy sự thiếu nhận thức về quyền phụ nữ”.
H&M đã cố gắng làm rõ lập trường trong một bài đăng trên Twitter.
“Chúng tôi lên án bất kỳ loại bạo lực nào và là một công ty định hướng giá trị, chúng tôi tin vào một xã hội toàn diện và bình đẳng”.
Dòng sản phẩm, bao gồm các loại in chữ GBV, vẫn được bán theo kế hoạch.
Áo phông chủ đề xả súng của Bstroy
|
Sandy Hook là tên trường tiểu học, nơi hứng chịu vụ xả súng năm 2012. Ảnh: Bstroy. |
Bstroy, một nhãn hiệu thời trang dạo phố mới nổi từ Atlanta, bang Georgia, đã gây phẫn nộ trong Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9 vì đã cho 4 người mẫu xuống sàn diễn trong những chiếc áo hoodie có ghi “Stoneman Douglas”, “Sandy Hook”, “Virginia Tech” và “Columbiaine” - tên của các trường học và cao đẳng nơi xảy ra một số vụ xả súng hàng loạt nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Các sản phẩm may mặc, được thiết kế bởi Brick Owens và Duey Catorze, có những vết rách giống như những vết đạn. Người dùng phương tiện truyền thông xã hội đã lên tiếng phản đối các thiết kế, mà nhiều người mô tả là “kinh tởm” và “nhạt nhẽo”.
Một số bình luận tự nhận mình là người sống sót hoặc bạn bè và người thân của nạn nhân. “Những người bạn cùng lớp đã chết của tôi không nên là một tuyên bố thời trang”, một người bình luận dưới bức ảnh của chiếc áo hoodie Stoneman Douglas.
Owens sau đó đã sử dụng Instagram cá nhân để chia sẻ thông tin từ buổi trình diễn thời trang với nội dung: “Đôi khi cuộc sống có thể trở nên mỉa mai một cách đau đớn. Giống như sự trớ trêu của việc chết thảm ở một nơi mà bạn coi là môi trường an toàn, được kiểm soát như trường học”.