Sáng nay 29/8, cầu Mỹ Lợi có vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng nối đôi bờ sông Vàm Cỏ sẽ chính thức khánh thành. Từ nay bến phà Mỹ Lợi cạnh đó sẽ chỉ còn trong kỷ niệm.
Những đứa con thành tài từ gánh hàng rong của mẹ
Những ngày này, khi thời khắc thông xe cầu Mỹ Lợi vượt sông Vàm Cỏ nối 2 bờ Tiền Giang và Long An chỉ còn tính bằng giờ và cánh tài xế cũng như người dân khắp vùng sông nước Gò Công…hớn hở thì những người từng mưu sinh ở 2 đầu bến phà thuộc ấp Trí Đô (TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) và xã Phước Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang ngổn ngang tâm trạng, niềmvui nỗi buồn lẫn lộn.
Người dân đôi bờ sông Vàm Cỏ háo hức chờ ngày khánh thành cầu Mỹ Lợi |
“Mừng vì cây cầu chắc chắn sẽ đem đến lợi ích lớn lao cho việc phát triển quê hương đất nước, những đứa con cháu từ nay sẽ thụ hưởng nhiều điều kiện sống tốt hơn nhưng nếu nói không buồn là tôi đã dối lòng…”, bà Bảy Cúc (72 tuổi), buôn bán lạp xưởng ngay đầu bến phà phía bờ Tiền Giang chia sẻ.
Bà bảy Cúc bên những dây lạp xưởng mà bà buôn bán ngay bến phà để nuôi lớn những người con của mình. |
Theo bà bảy Cúc thì quê bà ở tận miệt sông nước Cà Mau và bà theo chồng về làm dâu xứ Gò Công năm 23 tuổi. Từ ngày đó đến nay trải qua gần 50 năm, bến phà Mỹ Lợi gắn bó cùng cuộc mưu sinh và 6 người con của vợ chồng bà lớn khôn, thành đạt cũng từ những chiếc lạp xưởng bán cho khách qua lại bên phà của mẹ.
Nét trầm ngâm của những người từng gắn bó với bến phà đầy kỷ niệm. |
Những chuyến phà cuối cùng trước thời khắc hoàn thành sứ mệnh. |
Dõi mắt về con sông Vàm Cỏ có chiếc cầu sừng sững bắc ngang, bà năm Hiền gương mặt u buồn cố nở nụ cười tâm sự: “Đúng 40 năm trước khi sinh thằng út được 2 tháng tôi đã ra bến phà này để bán bánh tét, bánh ít. Từ nơi mưu sinh này những đứa con tôi lớn lên giờ đứa nào cũng có vợ con đề huề, cuộc sống ổn định. Những ngày tới khi bến phà không còn hoạt động tôi sẽ về sống nương nhờ vào chúng lúc tuổi xế chiều”.
Chiều tà, không khí bến phà Mỹ Lợi ưu buồn hoà với tâm trạng ngổn ngang của cư dân nơi đây khi sắp chia tay bến phà đầy kỷ niệm.
“Mới tháng trước khi thấy công nhân xây dựng cầu tất bật thi công những công đoạn cuối chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được nỗi buồn. Tuy nhiên khi thời gian thông cầu còn tính bằng giờ đồng nghĩa với việc từ đây bến phà xe ngưng hoạt động thì cảm giác hụt hẵng, buồn bã đã thật sự ập đến…”, chị Tư Sen, một người dân ở đầu bến phà Mỹ Lợi, tỉnh Long An bày tỏ.
Cây cầu mơ ước
Một ngày trước thời khắc cầu Mỹ Lợi thông xe, những chiếc phà cuối cùng qua lại đưa người sang sông có một vị khách vô cùng đặc biệt: Đó là cụ Nguyễn Văn Nhượi, 84 tuổi, ngụ ở huyện Cân Giuộc, tỉnh Long An.
Cụ Nhượi vượt hàng chục cây số để ngắm cây cầu Mỹ Lợi trong mơ. |
Khi phà cập bến cụ Nhượi không rời phà mà ở lại để chờ phà quay đầu về bến cũ. Sở dĩ cụ Nhượi làm điều này là vì “tôi muốn nhiều lần qua lại giữa sông để ngắm thật đã cây cầu mà có mơ tôi cũng không dám ước”, cụ Nhượi cho biết.
Cụ Nhượi tâm sự hơn 1 năm trước nghe tin xây dựng cây cầu để nối liền 2 bờ sông Vàm Cỏ gắn liền tuổi thơ của mình, cụ mong ước sống đến ngày cây cầu được hoàn thành để được đi qua dù chỉ một lần rồi có nhắm mắt cũng thoả nguyện. Vì vậy hôm nay cụ đã nhờ người cháu cố đưa mình ra đây để ngắm và chờ ngày khánh thành để đi lên cầu.
Cảnh tượng mỏi mòn chờ qua phà của người dân 2 bên bờ sông Vàm Cỏ sẽ không còn khi cầu Mỹ Lợi được thông xe ngày 29/8 tới. |
“Nếu ai nhìn cảnh tượng vào những dịp lễ tết hay ngày cuối tuần, dòng xe máy chen chúc với ô tô, xe tải xếp hàng dài giữa nắng, mưa chờ qua phà Mỹ Lợi thì mới thấy được giá trị của cây cầu Mỹ Lợi sắp khánh thành này”, cô Thuỷ, một người buôn bán tại bến phà cho biết.
Theo cô Thuỷ thì bến phà dù có 5 chiếc qua lại nhưng luôn trong tình trạng quá tải vì nhu cầu đi lại ngày càng nhiều. Vì vậy nên khi có cây cầu sẽ đem đến lợi ích rất lớn cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nhân dân các huyện thị ở tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Bến phà Mỹ Lợi... |
Những chuyến phà cuối cùng đưa khách sang sông. |
“Rồi đâu cũng vào đó, từng có sự thay đổi lớn trong cuộc mưu sinh khi các bến phà đã đi vào lịch sử như Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ ngưng hoạt động vì được thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Sau bao năm, những vùng có các cây cầu đi qua đã mọc lên bao khu công nghiệp, nhà máy…giải quyết tốt đời sống của người dân. Vì vậy tôi cũng như tất cả tiểu thương buôn bán ở 2 đầu bến phà Mỹ Lợi cũng chỉ luyến tiếc, hơi buồn chứ không lo sợ sẽ khổ khi chẳng còn bến phà”, các tiểu thương chia sẻ.