Chủ tịch CNRP Sam Rainsy phát biểu trước những người biểu tình. |
Khuôn viên Quảng trường Dân chủ chỉ chứa được khoảng 10.000 người theo quy định về diện tích của Bộ Nội vụ, nên số người còn lại đứng tràn ra ba đường phố xung quanh quảng trường.
Phát biểu tại cuộc biểu tình, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) Sam Rainsy cho biết các cuộc biểu tình tương tự với quy mô nhỏ hơn cũng đang được tổ chức ở các tỉnh, đặc biệt là ở các chùa chiền.
Ông Sam Rainsy nhắc lại mục đích của cuộc biểu tình là phản đối kết quả bầu cử, đòi "công lý" cho các cử tri đã bỏ phiếu cho đảng ông bằng việc thành lập một ủy ban hỗn hợp độc lập với sự tham gia của Liên Hợp Quốc để điều tra những cáo buộc sai phạm bầu cử.
Ông Sam Rainsy đồng thời nhấn mạnh cuộc biểu tình sẽ diễn ra không bạo lực bằng cách nói rằng “hôm nay là một ngày lịch sử ở Campuchia để chúng ta phải chấm dứt bạo lực, nhất là bạo lực chính trị chống lại những người dân chủ, yêu nước đã xảy ra trong gần 40 năm qua.”
Trong khi đó, Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha kêu gọi Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) chưa vội công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử vào ngày mai, 8/9, theo như kế hoạch và khuyến cáo CNRP sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình nếu NEC công bố kết quả chính thức giống như kết quả tạm thời đã được công bố vào ngày 12/8.
Trong khi đó, một lãnh đạo khác của CNRP, ông Kong Korm đã kêu gọi Quốc vương Norodom Sihamoni triệu tập lãnh đạo hai đảng gặp nhau để giải quyết những bất đồng hậu bầu cử.
Tại cuộc biểu tình đại diện nhiều giới như nghiệp đoàn, công nhân, sư sãi, những người bị mất đất và cưỡng chế đã phát biểu ủng hộ phe đối lập.
Cuộc biểu tình ôn hòa do CNRP phát động, diễn ra một ngày trước khi NEC công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử diễn ra cuối tháng Bảy vừa qua. Theo quan chức cấp cao của CNRP, bà Mu Sochua, cuộc biểu tình bắt đầu lúc 7 giờ sáng ngày 7/9 (giờ địa phương) và sẽ kết thúc trước 12 giờ trưa cùng ngày theo yêu cầu của Bộ Nội vụ Campuchia.
Ngoài ra, bộ trên cũng quy định cuộc biểu tình không được biến thành cuộc tuần hành trên đường phố và người biểu tình không được lập trại tại quảng trường hay bất kỳ điểm công cộng nào trong thành phố.
Trước giờ biểu tình, giới chức CNRP cam kết sẽ không xảy ra bạo lực, song dư luận ở Phnom Penh vẫn lo ngại về những đột biến khó lường. Thậm chí, nhiều đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Australia, Mỹ đã khuyến cáo công dân tránh xa biểu tình vì nguy cơ bạo lực bùng phát.
Trong thời điểm diễn ra cuộc biểu tình, các đường phố Phnom Penh vắng lặng một cách bất thường, nhưng xuất hiện nhiều lực lượng cảnh sát và quân cảnh làm nhiệm vụ, đề phòng bất trắc xảy ra.
Ông Kheng Tito, phát ngôn viên Cảnh sát Quân đội quốc gia Campuchia, cho biết lực lượng an ninh gồm hàng chục nghìn người đã được triển khai để đảm bảo an ninh trật tự ở thủ đô Phnom Penh, đặc biệt tại Quảng trường Dân chủ. Ông cũng cảnh báo lực lượng an ninh sẽ "không nương tay" một khi xảy ra bạo động.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 do NEC công bố hồi đầu tháng Tám cho thấy CPP giành chiến thắng, nhiều hơn CNRP khoảng 300.000 phiếu.
CPP tuyên bố giành được 68 ghế trong tổng số 123 ghế quốc hội và CNRP giành được 55 ghế còn lại. Tuy nhiên, CNRP cho rằng có sai phạm trong bầu cử và nếu được giải quyết công bằng thì đảng này giành được 63 ghế và CPP được 60 ghế.
Để giải quyết các khiếu nại về bầu cử của CNRP, Hội đồng Hiến pháp Campuchia (CCC) đã chấp thuận đề nghị của đảng này về việc mở niêm phong tài liệu gốc về bầu cử ở một số điểm bầu cử. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại các tài liệu gốc này cho thấy mặc dù có một số sai sót kỹ thuật, nhưng kết quả bầu cử tại địa phương không thay đổi so với kết quả sơ bộ mà NEC đã công bố.
Theo Hiến pháp Campuchia, quốc hội mới sẽ được thành lập muộn nhất là 60 ngày sau bầu cử. Thủ tướng Hun Sen (61 tuổi) khẳng định việc thành lập quốc hội và chính phủ mới sẽ được thành lập theo đúng kế hoạch, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập.