Hình Đạo Vinh trong "Tam Quốc diễn nghĩa" chỉ xuất hiện trong hai đoạn nhỏ, đánh 2 trận, nói được hơn 100 từ, sau đó bị Triệu Vân giết chết nhưng lại là người dám mắng Gia Cát Lượng, thách thức Trương Phi, liều mình với Triệu Vân, được xem là mãnh tướng "văn võ song toàn" số một thời cuối Đông Hán.
Ảnh minh họa ( Nguồn: Internet) |
Hình Đạo Vinh là nhân vật có sức mạnh vô địch, một mình có thể đối kháng với Trương Phi, Triệu Vân, đồng thời còn là một người "miệng độc như rắn", khiêu khích Gia Cát Lượng. "Tam Quốc diễn nghĩa" ghi chép lại rằng Hình Đạo Vinh khi đối diện với Gia Cát Lượng, trước nghiêm nghị, sau lạnh lùng cao giọng: "Phản tặc an cảm xâm ngộ cảnh giới!" (Phản tặc kia lại dám đến xâm lược biên giới nước ta!), sau đó vỗ ngực cười lớn nói: "Xích Bích ngao binh, nãi chu lang chi mưu dã, can nhữ hà sự, cảm lai khoa ngữ!" (Trận Xích Bích đều là công của Chu Du, liên can gì tới nhà người (Gia Cát Lượng) mà dám tới đây lớn tiếng).
Trước giờ, cả Tam Quốc, chỉ có Gia Cát Lượng mới có tư cách đi mắng người khác, có ai dám mắng chửi Gia Cát Lượng. Trước, Gia Cát Lượng mắng những nhà Nho tự xưng trên thông thiên văn dưới tường địa lý của Đông Ngô "trôi chảy" tới mức họ chỉ biết đứng im, không có gì để nói, sau, Khổng Minh sỉ vả Vương Lãng, khiến công thần khai quốc của nước Ngụy cùng đường đuối lý… Nên biết rằng khi đó, Gia Cát Lượng liên minh với Đông Ngô, đánh bại hàng trăm vạn quân Tào, danh tiếng vang vọng, đến cả Chu Du, khai quốc công thần của Đông Ngô cũng bị Khổng Minh làm cho tức đến ngã cả ngựa. Hình Đạo Vinh tuy không nổi tiếng tài năng như Chu Du, nhưng lại dám đối diện và mắng thẳng vào mặt Gia Cát Lượng, khiến Gia Cát Lượng "vô ngôn dĩ đối", ép Gia Cát Lượng phải quay về quân doanh.
Hình Đạo Vinh sở dĩ dám mắng Gia Cát Lượng là bởi 3 nguyên nhân sau:
1. Gia Cát Lượng còn trẻ
Ở trận Xích Bích, Gia Cát Lượng khi đó mới 27 tuổi, trong mắt Hình Đạo Vinh chỉ là "một nhóc con miệng còn hôi sữa", làm sao có thể lập kế hoạch và chỉ đạo trận chiến lớn như trận Xích Bích. Chu Du khi đó đã 33 tuổi, vừa tự chủ lại nhiều kiến thức, đây là thời kì hoàng kim của sự nghiệp, người như Chu Du lập kế hoạch và chỉ đạo trận Xích Bích mới là hữu danh hữu thực.
2. Thế lực Lưu Bị còn yếu
Trước trận Xích Bích, Lưu Bị bị Tào Tháo từ Tân Dã, qua Phàn Thành, Tương Dương, Trường Bản, Giang Lăng, đuổi theo đến tận Hạ Khẩu. Khi diễn ra trận Xích Bích, Tôn Quyền và Lưu Bị gọi là liên minh Tôn Lưu, trên thực tế chỉ là Gia Cát Lượng một mình sang Ngô, đến Cửu Giang gặp Tôn Quyền, cùng Chu Du lên sách lược "đốt cháy" Xích Bích. Sau trận Xích Bích, Lưu Bị "như cá gặp nước", tranh thủ thời thế chiếm được không ít địa bàn đất Kinh Châu. Vì vậy, đối với Hình Đạo Vinh mà nói, Lưu Bị chỉ là "kẻ lang thang", bị Tào Tháo đuổi đến không chỗ dung thân. Lưu Bị thế lực yếu như vậy, trong mắt "kẻ địch của vạn người" như Hình Đạo Vinh, tất nhiên không đáng để nhắc tới.
3. Tào Tháo chỉ theo đuổi lợi ích
Khi Tào Tháo Nam hạ, Lưu Tông quy hàng Tào Tháo, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp là hoàng đế chính tông của Đông Hán, còn Tào Tháo lại là thừa tướng danh chính ngôn thuận, có thể cho Hình Đạo Vinh nhiều lợi ích hơn, quan cao lộc hậu, vinh hoa phú quý ngay trước mắt. Lưu Bị tuy họ Lưu, luôn miệng nói là chính tôn Hán thất, nhưng lại không được toàn bộ người trong thiên hạ thừa nhận, Lưu Bị không thể cho Hình Đạo Vinh một chức quan mong muốn. Ngoài ra, bên cạnh Lưu Bị còn có các võ tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… nếu đầu hàng Lưu Bị, đối với Hình Đạo Vinh mà nói sẽ là uổng công, không được trọng dụng, chi bằng cứ trung thành với Tào Tháo.
Hình Đạo Vinh, một mình một chiến tuyến, trước mắng Gia Cát Lượng, sau đơn độc thách thức Trương Phi, Triệu Vân nhưng sau cùng vẫn có một kết cục thảm hại. Thực ra, giỏi võ mồm có thể khiến bạn nhất thời sảng khoái, nhưng thực lực mới có thể bản vệ cả đời bình an. Vì vậy, thực lực so với võ mồm vẫn thực tế hơn rất nhiều.
Trong cuộc sống, im lặng sẽ giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn và cuộc tranh luận vô ích. Thay vì dùng lời nói công kích nhau, đẩy mâu thuẫn đi xa hơn, thậm chí làm tổn thương và xúc phạm người khác, chúng ta chỉ dùng sự im lặng để nói lên thái độ của mình.
Người khôn ngoan thực sự sẽ nói ít làm nhiều. Muốn chứng minh điều gì, họ sẽ dùng hành động chăm chỉ để thay cho hàng chục lời nói, dùng kết quả để thay thế cả quá trình. Đôi khi, im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một lời nói hoa mỹ, có cánh. Nói hay im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người và chỉ sử dụng khi cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, gươm chưa dùng thì nên cất trong vỏ.