""Giáp hạt" là chuyện ở đâu ấy chứ"
Làng Ông Hảo (làng Hảo), xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có nghề truyền thống làm trống, mặt nạ sư tử chơi Trung thu. Ông Vũ Huy Gia, Bí thư Chi bộ thôn bảo, nghề có tự bao giờ, người làng ông chẳng rõ. Đến bố ông, nếu còn sống thì năm nay cũng đã ngoài 100 tuổi, khi được hỏi cũng lắc đầu xua tay, chỉ biết là từ nhỏ đã thấy dân làng làm nghề cùng với cấy lúa, chăn nuôi.
Trong ký ức của ông Gia, từng có giai đoạn, ở làng Hảo "người người làm trống, nhà nhà làm trống". Ấy thế mà chẳng bao giờ phải lo đầu ra, chỉ sợ không có sức mà làm. Vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, làng nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên với người đến, kẻ đi lấy hàng nườm nượp. Trống, mặt nạ làng Hảo có ở khắp các tỉnh thành phía Bắc, vào cả TP.HCM, Tây Nguyên.
Ngay cả những năm bao cấp, khó khăn là thế nhưng người làng Hảo vẫn "sống ổn" với nghề. Vì Trung thu thì năm nào chả có. Mà đã Trung thu thì trẻ con, dù ở quê hay phố thị cũng đánh trống, rước đèn, đeo mặt nạ. Thế nên, khi tôi nhắc đến hai từ "giáp hạt", ông Gia cười hỉ hả: ""Giáp hạt" là chuyện ở đâu ấy chứ. Làng Hảo không bao giờ có khái niệm đó đâu".
Cổng làng Hảo. |
Hết rằm mới dám... cười
Nhà chị Vũ Thị Là là một trong những hộ làm ăn lớn trong làng. Mấy năm nay, gia đình chị đã thuê lại nhà kho cũ của thôn rộng gần 1.000m2 để mở rộng xưởng làm trống.
Khi chúng tôi đến, chỉ có chị Là và nhân công ở xưởng. Chồng chị đã theo hai ô tô chở trống với tổng giá trị tiền hàng chừng 500 triệu đồng vào Đà Nẵng từ hơn một tuần nay. Chỉ vào mấy chục chiếc trống xếp chồng trong nhà kho, chị Là bảo: "Hàng tồn đấy. Để bán trong mấy ngày Trung thu ở làng thôi chứ trước đó, trống xếp chật cả kho cơ mà".
Chị Là cho hay, để làm nên một chiếc trống trung thu, người làng Hảo phải nhập da trâu bò từ các địa phương khác về. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp hơn, dễ làm hơn.
Theo đó, da khi mua về, người thợ sẽ xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Người thợ sẽ phải căn chỉnh thời gian cẩn thận, nếu vớt da ra non quá màu sẽ không đều. Ngược lại, ngâm da "chín" quá thì sẽ thối, hỏng. Khi da đã đạt đủ độ, người thợ sẽ vớt ra, phơi khô. "Trong các khâu thì việc ngâm da này đòi hỏi kỳ công nhất, cẩn thận nhất. Chỉ cần vớt sai ngày là có thể vất đi hàng chục kg da", chị Là cho biết thêm.
Với gỗ làm tang trống, thợ sẽ cắt gỗ ra từng khoanh, dày chừng 5 phân rồi tiện cho nhẵn, phơi chừng 2 - 3 tháng mới khô cong. Lúc này, thợ sẽ ngâm da trong nước chừng 2 - 3 tiếng cho mềm rồi bưng làm mặt trống. Sau cùng, thợ sẽ quét lên một lớp phẩm cánh sen hoặc sơn để trang trí trống cho đẹp. Tính ra, trung bình mỗi ngày, một người có thể làm được chừng 100 cái.
Theo chị Nhung: "Chừng nào còn Trung thu, chừng đó trống, mặt nạ làng Hảo sẽ vẫn còn". |
Không chỉ nổi danh với nghề làm trống, người làng Hảo còn tự hào bởi những mặt nạ chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở ngộ nghĩnh, những chiếc đầu sư tử bắt mắt mà "dù có đi đâu thì cũng tạo được thương hiệu làng Hảo", theo cách nói của ông Bí thư Chi bộ thôn.
Vợ chồng anh Vũ Tiến Thắng, chị Chu Thị Nhung mới ngoài 30 tuổi đời nhưng cũng đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế với ngôi nhà 5 tầng - thành quả của việc nối nghiệp nghề làm mặt nạ trung thu của gia đình từ hơn chục năm nay. Hôm tôi đến, vợ chồng anh chị đang tất bật hoàn thiện nốt công việc cuối cùng là đóng hàng thành từng kiện để giao cho khách. Khắp sân nhà cũng là nơi làm xưởng rộng chừng 300m2 xếp đầy những mặt nạ. Thế nhưng, chị Nhung cho hay, đấy cũng chỉ là hàng làm thêm, còn hàng chính thì đã lên ô tô chuyển đi từ cách đấy hơn một tuần rồi.
"Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng những năm gần đây, mẫu mã đã đa dạng hơn khi làm cả mặt nạ hình Chí Phèo, Thị Nở. Đầu sư tử cũng được làm kỳ công hơn, bên cạnh việc chú ý đường nét, màu sắc còn phải chú ý đến phụ kiện như gắn thêm lông hóa học màu trắng để làm bờm. Nhờ thế mà sản phẩm bán ra vẫn được ưa chuộng", chị Nhung nói.
Để có được hàng bán đúng dịp Trung thu (từ đầu tháng bảy tới giữa tháng tám âm lịch), thợ làng Hảo phải chuẩn bị trước cả năm ròng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trong cả năm ấy, hầu như hộ làm nghề không có được khoản thu nào. "Vậy nên những hộ gia đình vốn ít thì khó trụ lắm. Còn những hộ làm nghề thì chỉ khi trời tạnh ráo, đợi hết đêm rằm mới dám cười vì chắc chắn tiền về như mình dự tính. Nếu không, như thời gian này mà mưa đến ngày rằm thì có mà khóc ròng vì lấy ai mà chơi trống. Dẫu hàng tồn có thể để lại cho năm sau thì vẫn bị lỗ vốn. Có năm bị âm là bình thường", chị Là bảo.
Chị Là bên những tấm da trâu để làm trống cho... Trung thu năm sau. |
Còn Trung thu, còn trống và mặt nạ làng Hảo!
Dù nghề làm trống, làm mặt nạ mang lại cuộc sống ổn định cho dân làng, tạo nên thương hiệu "làng Hảo" từ hàng chục năm nay song vẫn không tránh khỏi sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, khi mà khoảng chục năm trở lại đây, hàng Trung Quốc đã tràn vào nội địa. Nhiều hộ gia đình đã không trụ lại được với nghề. Bằng chứng là hiện, cả làng chỉ còn chừng 10 hộ tiếp tục nghề truyền thống trong tổng số 250 hộ, theo bấm đốt ngón tay của ông Vũ Huy Gia.
Cách duy nhất để thợ làng Hảo tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thương trường, theo chị Nhung, không gì khác là chính họ phải tự ý thức được việc cạnh tranh ấy, bằng cách liên tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm mà giá thành vẫn đảm bảo để trẻ em nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận. Một điều quan trọng nữa là hàng truyền thống phải thân thiện với môi trường và sức khoẻ. Muốn vậy, thợ phải sơn sản phẩm từ trước khi bán chừng hai tháng để sơn bay mùi; dùng lạt tre được ngâm dưới ao chừng 3 - 4 tháng để tạo khung cho mặt nạ, đảm bảo sản phẩm không bị mối mọt thay vì dùng hóa chất...
Dù quy luật cạnh tranh khắc nghiệt là thế song khi được hỏi về tương lai làng nghề, những người như chị Là, chị Nhung, anh Thắng vẫn giữ một niềm tin tưởng mãnh liệt. Ấy là bởi cái lý lẽ rằng: "Chừng nào còn Trung thu, chừng đó trống làng Hảo, mặt nạ làng Hảo sẽ vẫn còn. Cứ nhìn vào lượng hàng xuất đi mỗi năm sẽ thấy, số lượng sản xuất ra vẫn tính theo đơn vị vạn chiếc", chị Nhung xác nhận.
"Hiện nay, số hộ làm nghề ở làng Hảo đã giảm nhiều. Chúng tôi dù có muốn mở rộng nghề cũng đành bất lực, chỉ có thể giúp các hộ gia đình bằng cách tạo điều kiện để họ được vay vốn thuận lợi mà thôi".
Ông Lưu Đình Thời (Chủ tịch UBND xã Liêu Xá)