Đây thực sự là mức tăng trưởng ấn tượng của mùa vải “được mùa nhưng không rớt giá” ở Bắc Giang.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khảo sát tình hình tiêu thụ vải. |
Tính đến hết ngày 25/6/2018, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh Bắc Giang là: 183.836 tấn, doanh thu ước đạt 4.700 tỷ đồng. Trong đó, vải sớm 43.570 tấn (đã tiêu thụ hết), vải chính vụ 140.266 tấn (dự kiến còn khoảng 10-15 ngày nữa là hết vụ)
Vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn là các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị (Coop.Mart, Big C, Happro …).
Hiện vẫn còn 178 thương nhân Trung Quốc có mặt ở Lục Ngạn để thu mua vải thiều. |
Quả vải đã được xuất khẩu sang trên 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc… Trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu 86.500 tấn, doanh thu hơn 115 triệu USD. Xuất khẩu vào các thị trường khác trên 500 tấn.
Hiện vẫn còn 178 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc; tổng số điểm cân trên toàn tỉnh đến nay còn trên 500 điểm cân trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn là trên 394 điểm; gồm các điểm cân lớn đóng xốp xuất sang Trung Quốc, miền Nam...
Giá vải năm nay tương đối ổn định, tính đến ngày 25.6.2018 giao động từ 5.000 - 25.000 đồng/kg, giá vải (loại đẹp) thu mua xuất khẩu vẫn đạt từ 15-25.000 đồng/kg. Giá các loại vật tư cũng giảm nhẹ so với các ngày trước đó, hiện thùng xốp loại to có giá 40.000 đồng/thùng; thùng xốp nhỏ: 28.000 đồng/kg; đá cây 28.000 đồng/cây.
Tính đến hết ngày 25.6, huyện Lục Ngạn đã thu về 4.700 tỷ đồng từ quả vải. |
Mùa vải năm nay nhờ sự chủ động của các lực lượng chức năng như: công an, đội trật tự giao thông… nên không xảy ra hiện tượng tắc đường mà chỉ xảy ra hiện tượng lưu thông chậm tại một số điểm tập trung nhiều điểm cân dọc Quốc lộ 31 như: phố Kim, xã Phượng Sơn; Cầu Cát, xã Nghĩa Hồ; ngã ba kép xã Hồng Giang, phố Lim xã Giáp Sơn. Việc mua bán, vận chuyển cơ bản thuận lợi.
Ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang đánh giá: “Vải thiều chất lượng cao, mang thương hiệu Lục Ngạn đang tiêu thụ thuận lợi, giá cao tại các Hệ thông phân phối (Siêu thị, trung tâm thương mại) và các chợ đầu mối. Giá bán tương đối ổn định, không có hiện tượng ép cân, ép giá. Việc xuất khẩu tại các cửa khẩu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”.
Cũng theo nhận định của ông Cường, do địa phương có sự chuẩn bị tốt nên các sản phẩm phụ trợ như đá, thùng xốp có nguồn cung ứng dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng và tăng giá như các năm. UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND các huyện đã tích cực, chủ động hỗ trợ công tác tiêu thụ vải thiều.
Bên cạnh đó, các tổ công tác thường xuyên tăng cường kiểm tra hoạt động thu mua tránh hiện tượng gian lận thương mại, lùi cân, ép giá và kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phụ trợ đảm bảo ổn định giá. Không có hiện tượng gian lận thương mại tại các điểm cân, qua kiểm tra của các ngành chức năng.
Để đảm bảo chất lượng cũng như uy tín của thương hiệu vải thiều Bắc Giang, các ngành chức năng cũng đưa ra khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để đạt chất lượng tốt nhất. Chỉ thu hoạch vải thiều khi đã đạt chất lượng, để không ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.
Bảo quản vải thiều đúng cách, sử dụng bao bì nhãn mác đồng bộ. Thương nhân cần chủ động tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại.