Trong 7 ngày thăm và làm việc tại châu Âu, với lịch trình dày đặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của chính phủ, quốc hội và hoàng gia 3 nước đến thăm chính thức. 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với ba nước ngày càng phát triển, Việt Nam và ba nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ. Ảnh: TTXVN |
Ðây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 20 năm, là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao mới nhất giữa Việt Nam với Hà Lan trong 3 năm qua. Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh, phát triển của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, đã thiết lập các khuôn khổ quan hệ Ðối tác toàn diện, Ðối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững với Việt Nam và quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh hợp tác toàn diện.
Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó thách thức toàn cầu.
Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFFA) và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EViPA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chiến lược.
Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển của Việt Nam. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học-công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp).
Ngoài ra, Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của 3 nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với các lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đã được ký kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan. Ảnh: VGP |
Việt Nam và các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, như khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM, Liên Hợp Quốc, nhất là khi Việt Nam và cả Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Về Biển Ðông, lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), ủng hộ tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) công bằng, thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước cam kết ủng hộ Việt Nam về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Có thể khẳng định, chuyến thăm chính thức Luxembourg, Bỉ, Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với 3 nước, góp phần gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong giai đoạn phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh, phát triển của Việt Nam và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm:
(Nguồn: VTV4)