Dương Vân Nga
Thái hậu Dương Vân Nga nổi tiếng không chỉ bởi từng là vợ của hai vị hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam, có vai trò đặc biệt trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang Tiền Lê và trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống sau này mà còn bởi chính “mối tình” của bà hoàng này với vua Lê Đại Hành.
Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và hoàng tử Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích giết hại. Triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn (mới được 6 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn được Dương Thái hậu chọn làm Nhiếp chính, sau tự xưng là Phó Vương.
Năm 980, trước nguy cơ xâm lược của quân Tống, Dương hoàng hậu cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm Hoàng đế, lập nên nhà Tiền Lê.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy thắng lợi hoàn toàn, vua Lê Hoàn phong Dương Vân Nga là Đại thắng Minh Hoàng hậu.
Theo nhiều giai thoại kể lại thì sự việc trên chỉ là “nối lại tình xưa” bởi hai người đã có tình cảm với nhau ngay từ thời Dương Vân Nga còn chưa là hoàng hậu của vua Đinh.
Việc Dương Vân Nga - thái hậu nhà Đinh trở thành vợ vua Lê bị các nhà nho và sử gia trước đây lên án rất gay gắt.
Hình ảnh hoàng hậu Dương Vân Nga được tái hiện trên sân khấu kịch |
Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký toàn thư đã phê phán như sau: "Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng.
Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?"
Tuy nhiên, về sau các sử gia hiện đại có cái nhìn thông cảm hơn đối với hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga, cho rằng sự lựa chọn và quyết định của bà trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ là sáng suốt.
Linh Chiếu thái hậu
Linh Chiếu thái hậu được biết đến là Cảm Thánh phu nhân của Lý Thần Tông. Bà thường được nhắc đến là người có vai trò quan trọng trong việc giúp con trai là Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ) kế vị ngai vàng. Ngoài ra, bà còn được nhắc đến nhiều trong câu chuyện tư tình với Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ, một quyền thần dưới thời Anh Tông.
Năm 1138, hoàng đế Lý Thần Tông băng hà. Con trưởng của nhà vua và Lê Hoàng hậu là Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Anh Tông. Vua còn nhỏ nên Lê Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Nhưng thực tế mọi việc chính sự lúc đó đều do Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ thu xếp và quyết định cả. Bởi khi đó Đỗ Anh Vũ là người tình của Lê Thái hậu.
Chuyện này được nhắc đến trong sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau: Đỗ Anh Vũ tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của Anh Tông) và vì thế lại càng kiêu rông. Ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu.
Các quan trong triều bực lắm nhưng chẳng ai nói gì. Quan điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đái, chức hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đông Lợi, chức nội thị là Đỗ Ất, cùng với Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, phò mã lang Dương Tự Minh... cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ.
Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to: “Anh Vũ thường đêm đêm vào phòng Thái hậu, làm nhiều điều càn rỡ ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”.
Thấy vậy, vua Lý Anh Tông bèn xuống chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ. Anh Vũ bị đày đi làm ruộng ở vùng Cảo Xã (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Vắng Anh Vũ trong cung, Lê Thái hậu lo buồn, sau đó đã tìm cách xin vua Lý Anh Tông xuống chiếu ân xá cho các tội nhân, để Anh Vũ cũng được ân xá cùng trong số đó. Sau nhiều lần ân xá, Anh Vũ được phục chức Thái úy như cũ và được trọng dụng trở lại.
Hình ảnh hoàng hậu Trần Thị Dung được tái hiện trên màn ảnh nhỏ |
Hoàng hậu Trần Thị Dung
Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, chính hậu của vua Lý Huệ Tông. Không lâu sau khi Lý Huệ Tông mất, Trần Thị Dung lấy Trần Thủ Độ.
Việc Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ không chỉ bị đánh giá là “thất tiết” mà còn bị xem là hành động phản bội nặng nề đối với triều Lý. Chuyện tình của hai người được truyền tụng với nhiều giai thoại khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, Trần Thủ Độ say mê Trần Thị Dung ngay từ khi bà còn ở quê nhà, lúc đó Trần Thị Dung và Phùng Tá Chu còn say mê nhau, Trần Thị Dung không có cảm tình gì với Trần Thủ Độ.
Nhưng kể từ khi Trần Thủ Độ được vua Lý Huệ Tông phong là Điện tiền chỉ huy sứ, ra vào chốn thâm cung thường xuyên, Trần Thủ Độ có nhiều cơ hội gần gũi bà hoàng, người mà ông khao khát bấy lâu.
Trần Thị Dung đang trong cảnh "phòng the" lạnh lẽo, khó cưỡng lại trước sức hút mạnh mẽ của Điện tiền chỉ huy sứ. Từ đó hai người “qua lại” với nhau, sống “già nhân ngãi, non vợ chồng”.
Ngày 11.12 năm Ất Dậu (1225), Vua Lý Chiêu Hoàng (con gái Vua Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh và phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, coi việc thiên hạ. Nhà Trần đã hoàn toàn điều hành đất nước và Trần Thị Dung cũng làm vợ chính thức của Trần Thủ Độ, được phong là Linh từ quốc mẫu.