Giống cá hô có phần đầu khá to so với thân. Tuy thuộc họ Cá chép, nhưng cá hô không có râu. Người ta đã thấy có con cá hô dài tới 3m, nặng khoảng 300 kg. Ở Việt Nam thỉnh thoảng đánh bắt được loại từ 100 - 200kg.
Muốn theo dấu được cá hô, phải biết quy luật kiếm ăn của cá. Cứ mỗi tháng, cá hô sẽ đi kiếm ăn từ 3 đến 5 lần. Khi đi, chúng thường bơi theo những con nước ròng thường là vào các ngày 17, 18, 25, 27. Mùa cá hô chỉ kéo dài cao nhất là 4 tháng, nên người làm nghề săn cá hô phải quan sát chúng thật kĩ thì mới có khả năng thành công.
Những đêm sáng trăng, cá hô tung mình lên không trung rồi rơi ầm xuống nước như bom dội. Cá hô là loài to xác nhưng rất dại, khi bị mắc vào lưới chúng cứ đâm đầu cho mắc sâu thêm chứ không biết quẫy để thoát ra.
Nhân gian truyền rằng ăn thịt cá hô rất may mắn. Cá hô làm món gì cũng ngon không có món thịt cá nào sánh bằng. Thịt cá hô không dai như thịt heo, thịt bò mà nó dai và có nhiều lớp sụn mỏng, thịt vừa ngon vừa dai, không bở như các thứ cá khác.
“Lột xác” cũng nhờ cá, mạt vận cũng vì cá
Nhân gian truyền rằng ăn thịt cá hô rất may mắn. Ảnh Internet |
Mỗi con cá hô nặng khoảng 80 - 100kg, hiện nay giá bán sỉ từ 2 - 4 triệu đồng/kg cho thương lái trên Sài Gòn, nên nhiều người dân sông nước miền Tây luôn háo hức kiếm tìm. Đứng giữa căn nhà khang trang của mình, ông Trần Văn Tám quê ở Đồng Tháp, cho biết: “Tất cả cơ ngơi này cũng nhờ 10 năm đi săn cá hô đấy".
Ông Nguyễn Văn Thủy, ngay sát vách nhà ông Tám cũng sắm sanh được đủ thứ và “lột xác” từ nghèo khó trở thành khá giả nhờ săn cá hô. Ông Thủy cho biết: “Trước kia, ngôi nhà tôi đang ở chỉ là mảnh đất trống. Nhờ trúng liên tục 5 mùa cá hô nên gia đình đã đổi đời. Bây giờ cuộc sống tạm ổn định, tôi không bám theo cái nghề săn đầy hiểm nguy này nữa”.
Theo nhiều thợ săn, giai đoạn hoàng kim nhất của nghề săn cá hô đã qua, trước nguy cơ tuyệt chủng loài cá quý hiếm, chính quyền địa phương đã khuyến cáo cấm săn bắt.
Xứ sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nhiều người do quá nôn nóng muốn kiếm tiền triệu từ loài cá này mà nghèo mạt đi, thậm chí phải bỏ mạng.
Hối tiếc về những ngày sở hữu hàng trăm triệu trong tay, anh Hai Tuấn buồn bã trả lời: “Đến mùa cá hô, tôi và nhiều người sẵn sàng cầm sổ đỏ lấy tiền đi du lịch và sắm xe đắt tiền với ý nghĩ, đến mùa lại bắt được. Bây giờ thỉnh thoảng mới bắt được một con thôi. Không kiếm được cá, tài sản, nhà cửa bị cầm cố, nhiều người từ khá giả, nay tay trắng chẳng biết kiếm kế gì để sinh nhai”.
Chuyện săn cá hô trên sông Vàm Nao
Những ngư dân từng ngang dọc trên con sông tử thần ngày ấy kể lại, sông Vàm Nao chảy qua địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), xã Tân Trung ( huyện Phú Tân), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, An Giang) là con sông có độ sâu ăn thông với biển. Con sông rất dữ, nước chảy xoáy cuộn tròn nên quy tụ các loài cá khổng lồ tới trú ẩn và săn mồi. Hiền thì có cá hô, cá tra dầu, cá đuối, còn dữ tợn có các loài sát thủ như cá mập, cá đao, cá bông gấm.
Do cá dữ hoành hành quá nên không ai dám ra bến sông. Ngư dân bơi ghe ngang qua đây rất sợ bị chìm, sợ các loài cá dữ lao tới cắn xé. Con nít thì tuyệt đối không dám ngồi gần mép sông vì sợ cá bông gấm nhảy lên lôi xuống nước.
Một trong những loài cá khổng lồ dám kéo đến Vàm Nao tranh lãnh địa cùng cá dữ là cá hô. Đây là loài cá khổng lồ, có con trên 160 kg. Cá hô hiền ăn rong rêu, tép cá nhưng bù lại chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào vì thế cá dữ lại gần thì bị đánh bật trôi ra.
Cá hô kéo về Vàm Nao trú thân lại trở thành con mồi săn bắt của ngư dân. Đã có hàng trăm con cá hô bị hóa kiếp vùi tên tại nghĩa địa này. Một ngư dân nói: “Cá hô lạ lắm. Thấy nó lội đó nhưng không phải ngư dân nào quăng chài, bủa lưới là bắt được cá. Bởi thế như cái nghiệp, phải có cái duyên của người sát cá hô".
Cá hô - loài cá “khủng” từng thống trị trên sông Vàm Nao. Ảnh: Báo Vĩnh Long. |
Có nhiều người thành triệu phú từ nghề săn cá hô, ông giải thích một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, thương lái giành nhau mua nên một mùa bắt được 3 - 6 con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia.
Nhưng nghề cá hô cũng rất ngặt, như mang một lời nguyền, đã mua lưới đánh cá hô là phải chết sống với loài cá này. Còn nếu chán nản vì bắt không được cá mà bán lưới cá hô mua lại lưới cá khác thì sẽ không đánh bắt được con nào. Vì lời nguyền đeo đẳng ấy mà nhiều ngư dân nhìn thấy bạn trong nghề giàu lên với nghề bắt cá hô nhưng không dám đeo theo con cá khổng lồ vì sợ vướng lời nguyền xa xưa.
Lão ngư Sáu Viên run giọng chia sẻ với PV: “Bầy con nheo nhóc 7 đứa, tôi nuôi nên người đều nhờ từ tiền bán cá hô. Con tôi lớn lên thấy bắt cá hô bán tiền thấy ham nên đòi theo nghề nhưng tôi không dám cho vì biết đâu lời nguyền lại ứng vào đời sau”.
Con cá nặng tình cho ông chén cơm manh áo nên ông đã nguyện với lòng dù sau này không còn sống với nghề săn cá hô ông cũng sẽ giữ manh lưới ấy lại làm kỷ vật. Ông cũng dặn trước con cháu, nếu sau này ông có mất đi thì ước nguyện duy nhất của ông là hãy xem cái lưới cá hô như vật gia bảo, đừng vì túng quẫn hay thấy nó vô dụng mà đem bán.
Ông nói đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhưng nguyện vọng của ông là cái lưới sẽ minh chứng cho con cháu đời sau biết ngày xưa từng có cái lưới lớn tới cỡ này mới bắt được loài cá khổng lồ.