LTS: Ông Huỳnh Uy Dũng (tức: Dũng "lò vôi"), một trong những người giàu nhất Việt Nam và cũng là người có tài viết sách “trong tiềm thức”. Ông Dũng “lò vôi” đã từng viết hàng chục đầu sách thơ, văn có giá trị lớn về tâm linh. Cuốn sách “Chuyển kiếp luân hồi” được ông Huỳnh Uy Dũng viết và Nhà xuất bản Thời Đại xuất bản năm 2014.
Nội dung cuốn sách nói về vấn đề kiếp sống của con người được “luân hồi” và đây là một vấn đề dai dẳng nhất trong ý thức (khẳng định hoặc phủ định) của nhân loại. Có nghĩa là, kể từ ngày loài người bước lên cõi ý thức và ngôn ngữ, người ta vẫn khó dứt khoát được về việc nói có hay không trước vấn đề này.
Báo điện tử PetroTimes được sự đồng ý của tác giả xin khởi đăng những câu chuyện về Chuyển Kiếp Luân Hồi.
***
CHUYỆN LUÂN HỒI VÙNG BẢY NÚI (Kỳ 1)
Số là, vào đúng ngày 15 tháng 4 năm 1997 (lưu ý: ngày và tháng thì được người kể chuyện dùng theo âm lịch; còn về năm thì lại dùng theo dương lịch) – theo lời anh Nguyễn Văn Sơn, một người vừa đóng vai trò chứng kiến, lại đồng thời có liên can trong câu chuyện.
Bằng một giọng kể vô cùng xúc động thì – có một đôi tình nhân đứng sát cạnh nhau trên đỉnh Bồ Hong thuộc núi Cấm và cùng nhảy xuống vực sâu trước mặt. Cố nhiên là đôi tình nhân này nhảy xuống vực là để tự tử, cho trọn một chữ tình.
Chuyện những cặp tình nhân vì gặp cuộc tình ngang trái mà rủ nhau cùng nhảy xuống vực tự tử thì không phải là chuyện hiếm. Có điều là cái cách đồng tự tử của đôi trai gái này có một nét khá lạ, đó là trước khi hò nhau nhảy xuống vực, họ đã… cẩn thận dùng dây nhợ cột chắc hai cổ tay họ với nhau, trong ý hiển nhiên là để sau khi qua cõi âm cũng “cột chặt” mãi với nhau, không rời”.
Trên đỉnh núi Cấm. |
Vẫn theo lời anh Sơn thì người nam trong câu chuyện chính xác tên Nguyễn Quốc Nam (quê ở ngọn kênh Trà Uối, quận Thốt Nốt); còn người nữ có tên là Phượng (quê ở Long Điền, TP Cần Thơ).
Cái tên Nguyễn Quốc Nam là tên trong giấy khai sinh, còn tên ngoài đời thì gọi là Nhôm; ấy là phong tục người miền Nam thường sử dụng hai tên như thế. Vào thời điểm cùng người tình tự tử, Nhôm 27 tuổi.
“Lúc đưa xác hai người lên chuẩn bị an tang, người ta để ý thấy cổ tay Phượng bị mối thắt dây dù trói tay hằn một vết sâu; lại còn bị gãy xương nữa” – anh Sơn hồi tưởng lại. “Còn Nhôm thì bị vỡ đầu ở phía sau ót, bên phải”.
Cũng theo lời anh Sơn kể: lúc dẫn vợ đang mang thai ba tháng lên đỉnh Bồ Hong “ngắm cảnh” (Tại sao không dưng anh Sơn lại nảy ra cái ý đưa vợ lên đúng chỗ này ngắm cảnh? Phải tình cờ không? Hay bên trong có lực đẩy của nghiệp duyên gì?). Và điều lạ lùng là sau khi nghe chồng kể sự tích cuộc tự tử bi đát kia, chị Võ Thị Hệ, vợ anh đột nhiên rùng mình một cái, sau đó nghe bụng đau dữ dội.
Anh Sơn kể tiếp: “Tôi nghĩ đơn giản, do bà xã tôi mang bầu đi tới đi lui nên đau bụng, nên tôi vội đưa trở về nhà. Đến ngày 21 tháng 9 năm 1997 (xin vẫn theo cách tính ở trên – lời tác giả), bà xã tôi đi sinh tại bệnh viện huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tôi mừng quýnh vì là đứa con trai đầu lòng.
Nào ngờ trong lúc bác sĩ lo cắt nhau và tắm cho đứa bé thì bất ngờ lại phát hiện một cánh tay trẻ sơ sinh nữa ló ra. Thì ra đây là một trường hợp song sinh, mà bác sĩ cũng không biết. Thế mới lạ. Có điều là vì cái thai này nằm ngang nên bác sĩ quyết định phải mổ, đứa bé ra sau này là một bé gái”.
Anh Sơn còn thuật thêm: sau khi đón hai đứa bé chào đời xong, bác sĩ còn thân mật, hào hứng gọi và chỉ cho hai vợ chồng anh thấy những đặc điểm trên cơ thể chúng. Trên cổ tay của bé gái có một vết hằn khuyết trên da (trông như bị một sợi dây xiết chặt); lại có một “nốt ruồi son” to tướng mà nhìn kỹ thì giống như một vết máu bầm.
Còn bé trai thì đầu bị móp ở phía sau bên phải, và có một nốt ruồi đen ngay nơi chỗ móp. Bác sĩ nói nửa đùa nửa thật là “Hai đứa nhỏ này sao mà giống như đôi tình nhân cột tay nhau mà tự tử quá!”.
Nghe ông bác sĩ nói, anh Sơn chới với nhưng cố gắng phớt lờ. Sau đó về nhà, mấy lần đưa hai đứa nhỏ đến trạm y tế tiêm ngừa, mấy cán bộ y tế cũng có nhận xét tương tự như thế nữa, nhưng anh Sơn vẫn “cố gắng không tin”. Cho đến một ngày…
Dù sao thì sự quyết liệt không tin của anh Sơn cũng có lý do khá chính đáng. Là vì dù muốn dù không anh Sơn cũng là một người có đầu óc suy nghĩ khá sắc sảo. Số là, vào cái ngày anh đưa vợ lên du ngoạn trên đỉnh Bồ Hong ở núi Cấm, rõ ràng “bà xã” đã có thai trước đó ba tháng rồi. Vậy, ví dù là có chuyện đầu thai chuyển kiếp đi chăng nữa, thì với cái bụng đã mang thai ba tháng ắt cái hồn của hai bé sơ sinh đã “đậu” sẵn ở đó rồi, làm sao vong linh của đôi tình nhân nọ còn “chỗ” mà “chen” vào đâu được nữa?
Lý thì là thế, luận thì là thế. Song sự lại khác, tình lại khác. Cuộc sống của cái gia đình nhỏ rất mực hiền lương này cứ như thế mà êm đềm trôi qua, mặc dù sự đồn đại lời ong tiếng ve (về việc giống nhau giữa cặp trai gái song sinh này và đôi tình nhân cột tay vào nhau mà tự tuyệt) không phải là không có.
Anh Sơn, cha của cặp trai gái song sinh, đặt tên cho bé trai là Nguyễn Văn Đ. và bé gái là Nguyễn Thị Kh. Cho đến một ngày…
(Còn tiếp)