Trong hơn 400 năm, quả chuông Dhammazedi của Myanmar được cho là nằm sâu dưới đáy con sông Rangoon đã thu hút sự tò mò của những người thích phiêu lưu mạo hiểm và những người săn kho báu dưới nước lẫn từ khắp nơi trên thế giới.
Quả chuông được miêu tả là nặng 270 tấn, cao chừng 5 - 6m và rộng khoảng 3 - 4m. Do không thể tìm được cho nên người ta tin rằng quả chuông được thần linh bảo vệ.
Hiện nay, một doanh nhân kiêm chính khách hàng đầu của Myanmar tên là Khin Shwe thông báo có kế hoạch tài trợ cho dự án săn tìm quả chuông - với số tiền lên đến hơn 10 triệu USD – để trao trả nó về cho chùa Shwedagon, nơi báu vật bị mất cắp.
Câu chuyện về quả chuông Dhammazedi dường như pha trộn giữa truyền thuyết và những tư liệu lịch sử. Chuông được đúc vào ngày 5/2/1484 theo lệnh của nhà Vua Dhammazedi - lãnh đạo người Mon ở miền Đông Myanmar, là vị vua thứ 16 của Vương quốc Hanthawaddy Pegu đặt thủ đô ở thành phố Bago ngày nay. Ông từng được coi là một trong những vì vua mộ đạo và vĩ đại nhất của vương quốc - sau đó quả chuông được tặng cho nhà chùa Shwedagon ở thủ đô Rangoon (nay là Yangon của Myanmar).
Khoảng 100 năm sau, nhà buôn đá quý Gaspero Balbi từ thành phố Venice (Italia) tìm đến chùa Shwedagon và mô tả quả chuông - được khắc những dòng chữ khó hiểu - trong nhật ký của mình. Gaspero Balbi nói: "Tôi nhìn thấy quả chuông rất lớn nằm trong một hành lang, tôi đo được chiều dài chừng 7 bước chân và bề ngang 3 cánh tay".
Năm 1608, Filipe de Brito e Nicote - lính đánh thuê người Bồ Đào Nha kiểm soát khu vực bờ nam sông Rangoon - chiếm hữu quả chuông và cố gắng mang nó về căn cứ của anh ta. Khi vận chuyển qua sông Rangoon, quả chuông không may đã bị rơi tuột xuống nước, kéo theo sà lan và chiếc tàu chiến của Bồ Đào Nha chìm xuống đáy sông.
Khin Shwe là thành viên Thượng viện Myanmar cũng như đảng Đoàn kết Phát triển Liên bang của Tổng thống Thein Sein. Công ty Zay Kabar của Khin Shwe được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xây dựng và bất động sản hàng đầu của Myanmar.
Trong nhiều năm qua, một loạt các dự án ở Myanmar lẫn quốc tế ra đời trong nỗ lực định vị và trục vớt quả chuông khổng lồ Dhammazedi được tin là được đúc bằng đồng, vàng, bạc và thiếc. Phần lớn những cuộc tìm kiếm tập trung ở nơi hợp dòng của hai con sông Bago và Rangoon, gần khu vực gọi là Monkey Point và đối diện với căn cứ của Filipe de Brito e Nicote.
Một bức tranh mô tả quả chuông Dhammazedi khổng lồ (trái). |
Năm 1995, một ê-kíp của thợ lặn người Mỹ tên là Jim Blunt liên kết với chính quyền Myanmar để tìm kiếm quả chuông quý báu. Jim Blunt cùng với 116 thợ lặn khác trải qua 2 năm ròng rã lặn tìm khắp con sông và sau đó ông kể lại những trải nghiệm của mình trong một bộ phim tài liệu.
Blunt, hiện sống ở California, cho biết qua email: "Tôi bắt đầu lặn tìm quả chuông của nhà vua Dhammazedi vào tháng 12/1995. Sau 10 lần lặn sâu, tôi nhận được thông tin là khu vực tìm kiếm quả chuông đã bị nguyền rủa. Vài thợ lặn đã mất mạng khi nỗ lực tìm kiếm báu vật khổng lồ, trong đó có 2 thợ lặn của Hải quân Myanmar bị mắc kẹt trong xác chiếc tàu đắm".
Nỗ lực quốc tế mới đây nhất nhằm định vị quả chuông thần bí được lãnh đạo bởi nhà làm phim Australia Damien Lay, người trước đây từng đến Myanmar tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Lady Southern Cross của Australia và phi công mất tích Charles Kingsford Smith. Nói chuyện từ thành phố Sydney của Australia, nhà làm phim Damien Lay cho biết ông đã khảo sát một vị trí khác với nơi mà phần lớn những cuộc tìm kiếm đã diễn ra và tin chắc rằng ông đã phát hiện ra vị trí của quả chuông.
Nỗ lực đầu tiên tìm kiếm dấu vết quả chuông Dhammazedi diễn ra vào tháng 2/1987, và các thành viên của nhóm tìm kiếm bao gồm tiến sĩ kinh tế học Myo Myint, nhà sử học U Kyaw, nhà khảo cổ học U Ko Ko và thợ lặn U Kyaing.
Chùa Shwedagon. |
Năm 1989, U Thein Tun và kỹ sư U Zaw Win Aung hợp tác với U Ko Ko và U Kyaing thực hiện cuộc tìm kiếm thứ hai. Kể từ đó, vài nhóm nước ngoài tiếp tục cố gắng định vị quả chuông dưới đáy sông Rangoon. Nhà văn Chit San Win của Myanmar cũng có nỗ lực định vị quả chuông và về sau những trải nghiệm của ông được kể lại trong cuốn sách "Tìm kiếm quả chuông của nhà vua Dhammazedi" xuất bản năm 1996.
Nhà văn - người đã xuất bản 3 cuốn sách về quả chuông khổng lồ - nói: "Người ta tin rằng quả chuông liên kết với thần linh và có nhiều đồn đại cho rằng quả chuông nổi lên mặt sông vào những đêm trăng tròn". Không có bằng chứng cho thấy những đồn đại thần linh bảo vệ quả chuông là có thật, song Nay Oo, con trai của nhà văn, đã chết do cố gắng tìm kiếm quả chuông.
Chit San Win cho biết: "Người ta bảo rằng Nay Oo chết do lời nguyền của thần linh bảo vệ quả chuông. Tôi không tin vào điều mê tín nhưng quả thực là tôi không muốn tiếp tục tìm kiếm sau khi Nay Oo chết".
Trùm bất động sản Khin Shwe. |
Nhà làm phim Damien Lay cũng được cảnh báo về câu chuyện lời nguyền liên quan đến quả chuông: "Là người nước ngoài, xuất thân từ nền văn hóa khác, cho nên suy nghĩ của tôi rất khác với người Myanmar. Tuy nhiên, tôi rất tôn trọng ý nghĩa tôn giáo liên quan đến quả chuông và tin rằng lời nguyền thực sự kỳ lạ. Nếu người Myanmar tin vào lời nguyền thì tôi cũng tin theo. Nhưng, có lẽ tôi không sợ hãi hay lo nghĩ về nó bởi vì chúng ta có quá nhiều thách thức trong nỗ lực tìm kiếm quả chuông khổng lồ”.
Damien Lay nhắc lại rằng ông tin tưởng quả chuông của nhà vua Dhammazedi sẽ được tìm thấy để trao trả lại cho người dân Myanmar.