Bên cạnh đó còn có nhiều ngôi mộ cổ được chôn chung cả người lẫn đá, rất lạ. Đặc biệt cư dân ở đây vẫn luôn đinh ninh, cộng đồng người cổ của họ đã hóa đá. Sở VH-TT&DL Bình Phước cũng đã thu thập và trình bày các hiện tượng kỳ bí này mong muốn các nhà khoa học đến lý giải.
Chuyện kỳ lạ về việc người hóa đá
Có những đêm mưa, những buổi động trời, bao người STiêng đi qua khu đá lạ đó đều sửng sốt và cảm thấy có chút gì đó khác lạ. Cũng có thể đó cũng chỉ là cảm giác kiểu thần hồn nát thần tính. Ấy thế nhưng từ những phát hiện và các cuộc khai quật bãi đá cổ kỳ lạ này cùng với nhận định của các nhà khoa học thì bước đầu đã vén màn những huyền bí quanh bãi đá cổ kỳ lạ này.
Đối chiếu với ký ức và lời truyền kể của những người già cùng cộng đồng người STiêng ở vùng đất này thì quả là có nhiều bí ẩn, bí ẩn về hàng trăm người cổ hóa thành bãi đá kỳ lạ này. Ngôi mộ cổ gắn liền với truyền thuyết bí ẩn về một già làng có công khai phá mảnh đất người STiêng đang sinh sống. Vị già làng tên là Rlem, được bao thế hệ người STiêng phong là vị thần của buôn làng.
Bãi đá này có gì lạ? Theo quan sát của chúng tôi, nó là một quần thể của hàng trăm tảng đá, trồi ngược lên khỏi mặt theo kiểu nửa nổi nửa chìm. Phần trên tựa y như người thật. Mới nhìn có thể tưởng tượng đó là đá ong hóa thạch nhưng hoàn toàn không phải thế, bởi độ rắn chắc của nó khá vững chãi.
Ông Điểu Long, một trong những người già của cộng đồng người STiêng cho biết: "Không nhớ rõ lắm nhưng từ thời tổ tông của người STiêng chúng tôi đã có bãi đá kỳ lạ này rồi. Cũng bởi nó có hình dạng giống người nên ai trong số cộng đồng người STiêng cũng tôn kính như một sự thiêng liêng".
Bãi đá lạ này mà những người STiêng truyền kể là do những người cổ của họ hóa thành, từ trước những năm 1954 có hình vun nhọn lên như một chiếc kim tự tháp. Thế nhưng trải bao binh biến và những sự tàn phá của chiến tranh đã bị đánh sập xuống thành một bãi rộng lớn như hiện nay. Những tảng đá xếp gần như san sát nhau trên diện tích hơn 1 ha, rất kỳ bí và phủ đầy rêu phong.
Lý giải thêm về nguồn gốc ra đời những hình thù được cho là người STiêng cổ hóa đá này, cộng đồng người dân ở đây đều có chung một lời kể rằng: bãi đá cổ gắn với sự hình thành của cộng đồng người STiêng xưa kia ở vùng đất này. Khởi nguyên đó là già làng Rlem. Già làng được xem như một vị thánh đá hóa đá đầu tiên khi đặt chân đến nơi này, phát nương làm rẫy, khai phá vùng đất hoang sơ.
Già ở Sóc Bù Gio Tó (nằm phía Đông Bắc, xã Lộc An) đã quật ngã hết hàng trăm con thú dữ, đối đầu với biết bao hiểm nguy và khai hóa ra vùng đất này. Trong một lần khai hoang rừng rậm, già bị một con thú dữ tấn công. Thế nhưng, ông vẫn quyết chiến đấu và vượt qua. Sau lần đó, ông kéo thêm nhiều người STiêng cổ đến ở rồi lại tiếp tục một mình vào rừng sâu phát quang.
Trong lúc đốn chặt hàng chục cây amtal (phát âm theo tiếng STiêng là Tăm tằn), những hạt mủ cực độc trong cây bắn ra tung tóe lại bị những cành cây dập vào người, khiến từ đó già ngã bệnh và ốm mãi không chịu khỏi. Bao nhiêu thuốc quý trên rừng được đưa về đắp nhưng già làng cũng không tài nào hết bệnh.
Thế rồi bỗng một ngày, trời nổi cơn cuồng phong, tất cả tối sầm, lá rừng trút xuống ào ạt, mây bay vần vũ trên khắp bầu trời, già từ từ ngã xuống một bãi đất trống ven rừng rồi thân xác ông từ từ chìm xuống. Nhiều người thân tín thương xót ông quá cũng đau buồn và khóc than cho đến khi thân xác tan ra và chìm xuống giống như già. Một thời gian sau thì chỗ già và những người STiêng cổ chìm xuống đó nhô lên những tảng đá như ngày nay.
Linh thiêng ngôi mộ cổ
Không biết sau sự cố đau thương và huyền bí đó, có sự sắp đạt của bàn tay con người hay không mà bãi đá từ hỗn độn, tản mát đã quy tụ xếp thành những hình vòng tròn rất ngay ngắn.
Ông Điểu Khê, một trong những già làng người STiêng nắm nhiều chuyện lạ về bãi đá cổ này cho biết: "Vẫn chưa ai chứng minh được do biến đổi của trời đất hay con người, nhưng những người STiêng cổ hóa đá đó quần tụ thành một ngôi mộ cổ. Hàng năm, hàng tháng cứ đến những ngày lễ tết, những người dân bất luận lớn nhỏ đều ra trước ngôi mộ cổ này cúi đầu cầu nguyện. Chẳng biết linh thiêng đến đâu nhưng ai cũng tôn kính ngôi mộ cổ này, tôn kính như chính tổ tiên hình thành nên cộng đồng người của mình vậy".
Già làng Điều Khê lý giải tiếp rằng: "Ngôi mộ trở thành báu vật của buôn làng STiêng ngay từ những ngày ông cụ tổ Rlem ngã xuống kia. Ai cũng tin rằng chính xác già và hơn một chục thủ lĩnh của người dân tộc ở đây dã hóa quần tụ thành ngôi mộ cổ này".
Ngôi mộ nằm trong khoảng không gian rộng, với nhiều viên đá ong kích cỡ khác nhau, tạo thành cụm với diện tích khoảng 1 ha trên gò đất cao, triền đồi thoai thoải. Vòng tròn đá ong nằm trên đỉnh gò tương đối bằng phẳng, chiếm vị trí trung tâm. Năm 2009, khi 3 buôn của người STiêng ở đây xảy ra dịch bệnh cảm cúm, ngoài việc dùng thuốc của các trung tâm y tế cấp phát miễn phí, người dân ở đây còn bấu víu vào niềm tin may mắn từ ngôi mộ cổ này khi hàng ngày, khi màn đêm sập xuống, họ lại ra cầu khẩn bằng tất cả niềm trân trọng.
Cũng có thể, từ xưa người STiêng cổ chưa hình thành phong tục cúng tế người đã khuất tại nhà nên họ đã xem bãi đá cổ này là nơi thờ phụng chung. Nhìn nhận dưới góc độ tín ngưỡng thì chính những buổi đi cầu khẩn này đã góp phần kết nối tinh thần đoàn kết của cộng đồng người STiêng ở vùng đất này. Bởi cứ đến ngày lễ đó, tất cả dù có bận bịu đến mấy cũng tìm cách tụ họp về để gửi những ước nguyện đến ngôi mộ cổ.
Trong những bài cúng xuyên suốt những buổi lễ, có đoạn già làng Điểu Khê nhớ rõ ràng: "Hỡi sự linh thiêng và tôn kính của Rlem. Ngài đã hóa thánh trong lòng mỗi người STiêng. Ngài là ngọn nguồn của mọi sự nảy mầm cuộc sống xinh tươi này. Hỡi các thủ lĩnh, những linh hồn thiêng đá hóa đá ngự trong mộ cổ hãy về nhận lấy sự chân thành từ những tâm hồn STiêng ...".
Sau mỗi buổi cầu khẩn chung bên ngôi mộ cổ này, những người STiêng lại siết chặt tay nhau cùng hỏi han, trò chuyện về cuộc sống và sự no đủ trong mỗi mái nhà.
Mong muốn các nhà khoa học đến lý giải
Không chỉ ông Điều Khê mà ông Điều Chung và nhiều già làng người dân tộc ở đây dẫu rằng ít được tiếp cận với cuộc sống đô thị hiện đại nhưng vẫn bày tỏ chung một nỗi niềm rằng: "Nhiều thứ lạ lắm. Nghe các cán bộ nói có thể tìm ra nhiều dấu vết để nghiên cứu và lý giải được. Vậy nên cộng đồng người dân chúng tôi vẫn mong được các nhà khoa học lý giải thấu đáo cho yên tâm. Nếu đúng người cổ hóa đá thật thì chúng tôi sẽ lập đền thờ kính cẩn thờ phụng như nguồn gốc hình thành cộng đồng người của chúng tôi".
Nhìn nhận dưới góc độ khoa học, ông Trần Thanh Tùng, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Phước cũng cho rằng: "Ngôi mộ mà những người STiêng cho rằng đó là ngôi mộ cổ nằm giữa mênh mông của những tảng đá kỳ lạ. Cả khu vực bãi này còn có một tên gọi khác là Bãi Tiên. Những huyền bí thì hầu như chỉ là lời kể của người dân".
"Thế nhưng căn cứ vào những dấu tích hiển lộ trên những tảng đá này cũng như ngôi mộ trung tâm cho thấy những vật thể này có tính chất khảo cổ học và dân tộc học rất cao. Cách đây mấy năm, đoàn liên ngành đã tiến hành khai quật. Kết quả khai quật ban đầu cho thấy, sự sắp xếp của các khối đá có dấu hiệu của bàn tay con người sắp đặt. Đó được phỏng đoán có thể do những người STiêng cổ xưa sắp đặt cho những cái chết của tổ tiên mình. Tuy nhiên đá đó có phải là người hóa thành hay không thì chưa đủ căn cứ để lý giải".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Toàn, một chuyên gia về khảo cổ học của trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng: trước những lời truyền kể cộng với những hình thù và hiện tượng lạ của Bãi Tiên này, đầu năm 2008, đoàn liên ngành về khảo cổ đã tiến hành khai quật.
Đến nay những dấu tích này vẫn đang được Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước cùng các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu kỹ càng. Với sự quan sát ban đầu của chúng tôi thì Bãi Tiên này có nét rất riêng và lạ mà hiện vẫn chưa phát hiện di tích nào trên thế giới giống với nó để so sánh. Có thể từ công trình này sẽ có nhiều phát hiện thú vị về cuộc sống của người STiêng cổ.