Chuyện kể xúc động về nhân cách lớn của đồng chí Đỗ Mười

(Kiến Thức) - Trong con mắt của người thân và cộng sự, Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười hiện lên như một người bằng hữu hết mực giản dị, một người đồng chí luôn duy trì nhiệt huyết cách mạng trong mọi hoàn cảnh khó khăn... 

Xin trích lại một số câu chuyện cảm động về Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua lời kể của những người từng sống và làm việc với ông, được in trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012)".
Chuyen ke xuc dong ve nhan cach lon cua dong chi Do Muoi
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn Thọ Chân (Lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động): 
"Gia đình anh Đỗ Mười rất nghèo. Bố anh tên là Nguyễn Duy Trinh, sinh được bảy người con (bốn trai, ba gái).
Tôi và bố anh Đỗ Mười là con chú con bác. Gia đình tôi có cụ Tú làm thông phán ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình). Cụ đưa anh Đỗ Mười theo để học, nhờ vậy anh Đỗ Mười thi được sơ học yếu lược (cấp I), có biết một ít tiếng Pháp.
Anh Đỗ Mười vào Đảng sau tôi khoảng 5 tháng nhưng sinh hoạt cùng chi bộ. Anh là một người hiếm có, trải qua từ chi bộ, ở tù, kháng chiến tham gia nhiều cấp ủy từ tỉnh tới trung ương.
...
Tôi còn nhớ, hồi tôi đi công tác nước ngoài về, là Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng. Họ xếp cho tôi ở nhà khách số 7 Nguyễn Cảnh Chân. Khi gặp Đỗ Mười, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tôi bảo: "Anh xếp nhà cho tôi".
Đỗ Mười nói: 'Chú cứ ở đấy đi, nhà khách cũng là nhà, cháu xếp nhà cho chú, người ta bảo vì quan hệ chú cháu'.
Nghe anh nói như vậy, tôi đành ở nhà khách suốt 20 năm. Anh lo cho người khác được, nhưng không giúp chú mình.
Anh Đỗ Mười có nhược điểm hay nói lớn, ít giữ gìn nhưng một lòng vì công việc. Anh sống giản dị, quần áo, đồ đạc xuềnh xoàng. Có lần ông Phạm Văn Đồng than: 'Nhà ông Mười chẳng có đồ đạc gì đáng giá'.
Anh không có phòng ngủ riêng, chỉ có cái giường nhỏ cạnh bàn bàn việc. Có hôm, anh mời tôi ăn cơm rồi ngủ lại buổi trưa, anh mời tôi nằm giường, còn anh ngồi ghế.
...
Trong gia đình anh rất giữ lễ, tôi là chú, anh gọi chú xưng cháu lễ độ. Vào nhà thờ tổ, anh để tôi khấn, anh không dám khấn".
Ông Nguyễn Tiệp (Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 - Khu Tả Ngạn):
"Từ cuối năm 1950, tình hình địa bàn tả ngạn sông Hồng còn rất khó khăn do địch chiếm hoàn toàn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại cuộc họp bất thường, Ban Thường vụ Liên khu ủy III đã có nghị quyết về việc thành lập Ban Cán sự Tả Ngạn.
...
Đồng chí Đỗ Mười là người có tinh thần rất kiên định và lối sống rất trung thực. Trong hoàn cảnh rất ác liệt của Khu Tả Ngạn, ngày đêm địch hoành hành trắng trợn, cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, có cán bộ đã dao động bỏ đất, bỏ dân chạy về vùng tự do, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Ban Thường vụ Khu ủy, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh khu kiên trì bám đất bám dân suốt cuộc kháng chiến.
Một hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi, khi được tin đồng chí bị cảm thương hàn, tôi đến thăm, đồng chí ngồi dậy nói chuyện với phong cách hết sức sôi nổi, nhiệt tình, với ý chí tiến công địch. Đồng chí trăn trở với câu hỏi làm sao để gây thiệt hại lớn cho địch và bảo toàn, phát triển lực lượng của ta?
Hình ảnh đồng chí vóc dáng cao to nhưng bị cảm thương hàn nặng, sức khỏe sút rất nhanh, trông rất thương tâm nhưng nghĩ đến công việc vẫn sôi nổi, tinh thần cách mạng tiến công rất cao, đã gây cho tôi và những cán bộ, chiến sĩ ấn tượng không phai mờ về một chiến sĩ cộng sản kiên cường, vì sự nghiệp độc lập dân tộc và giải phóng Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội".
Chuyen ke xuc dong ve nhan cach lon cua dong chi Do Muoi-Hinh-2
Tổng bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: TTXVN.
Ông Phan Trọng Kính (Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười):
"Trở về Bộ Xây dựng (trước đây gọi là Bộ Kiến trúc), tôi được bộ phân công về Cục Quản lý thi công chuyên theo dõi và kiểm tra thi công các công trình đang xây dựng. Ít tháng sau, tôi lại được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng, với danh nghĩa là thư ký riêng.
...
Có thể nói, từ ngày được phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có cường độ làm việc rất phi thường: một ngày làm việc của đồng chí không phải là 10 tiếng mà thường xuyên là 16 - 17 tiếng. Bốn giờ sáng đồng chí đã dậy ngồi vào bàn đọc sách; đến 6 giờ nghe tin tức các đài trong và ngoài nước; 7 giờ sáng tập thể dục; ăn sáng xong là lên xe đến công sở làm việc.
Nhiều hôm, đồng chí làm việc đến quá 12 giờ trưa mới nghỉ. Trưa về, ăn cơm xong là đồng chí ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cát xét mà Thông tấn xã Việt Nam thu để phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm đồng chí còn nói với Văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, có khi mãi đến quá 11 giờ mới nghỉ. Hầu như tuần nào cũng có hai, ba cuộc họp như vậy".
Nhà văn Chu Lai:
"Với những yếu nhân của một quốc gia, lâu nay người ta hay đặt cho họ những biệt danh cao quý về tư tưởng hoặc tác phong, nhưng riêng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi được biết nhiều người nhớ đến ông ở góc độ phong cách.
Đó là một phong cách bình dân ấm áp mà ở ông luôn được toát ra đậm nét ở bất cứ chỗ nào. Có lẽ ông là một trong số rất ít người có thể nói vo cả 3 - 4 tiếng đồng hồ, mà lại toàn là những vấn đề lớn lao, vĩ mô. Ông luôn biết biến những điều phức tạp thành ra đơn giản, biết biến cái "trúc trắc" trong chính trị, trong các phạm trù văn hóa, triết học thành những từ dân gian, ông ví Liên Xô sau chính biến năm 1991 như con voi bị bệnh hiểm nghèo.
...
Lại nhớ trong những trang sử hào hùng chống phong tỏa thủy lôi Mỹ ở khu cảng chiến lược Hải Phòng năm 1972, khi ông là Phó Thủ tướng kiêm đặc trách mặt trận xung yếu này. Người ta kể, có đêm đã khuya lắm rồi, ông vừa bế cháu vừa quát vào điện thoại hỏi xem mật độ thủy lôi Mỹ thả dày đến đâu, ở những cửa biển cửa sông nào, ta có ai hy sinh không và các nhà khoa học, bên hải quân, bên hàng hải đã chế ra thiết bị rà phá được con thủy quái đó chưa?… Tiếng ra lệnh cùng với tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt trong điện thoại đã vang trên sóng nước chiến tranh một thời và có lẽ còn vang tiếp nhiều thời".
Nhà văn - Nhà báo Minh Chuyên:
"Bác Đỗ Mười là một trong những người có nhiều tri kỷ, tri âm với mảnh đất Thái Bình quê tôi. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lan rộng khốc liệt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, bác Đỗ Mười đã về hoạt động ở vùng Quỳnh Côi - Thái Bình. Đó là những năm 195l –1953. Những người dân được sống gần bác kể: Bác Đỗ Mười rất mưu trí và làm việc hết mình Bác đã từng đóng vai người nông dân qua hết làng này sang làng khác hoạt động để che mắt địch.
Ông Nguyễn Lộc xã Quỳnh Sơn là một gia đình cơ sở của bác nói: 'Hồi đó đi ra khỏi làng, bác Đỗ Mười thường gánh hai bó rọ cá rô để che mắt bọn mật thám. Hôm thì bác vác các đòn càn, có đeo cái hái, đầu đội nón lá, trông như một lão nông tri điền'. Bà Phấn ở xã Quỳnh Nguyên là một gia đình cơ sở cưu mang bác Đỗ Mười trong nhiều năm. Khi bác Đỗ Mười về thăm, và hỏi: 'Bác còn nhớ mùa hè năm 1952 không? Hồi đó bác bị ốm nặng mà vẫn cứ làm việc. Sau ốm nặng hơn không đi được, chú Khâm, chú Chiến cần vụ phải cõng bác mà bác vẫn không chịu nghỉ'.
Bà cảm động nói tiếp: 'Sau vận ốm đó, tóc bác trùm gáy, mẹ em (bà Hựu) đi tìm chú Mộc là đảng viên trung kiên đến cắt tóc cho bác. Bác Thảo một người bạn của bác đến thăm, bác Thảo vừa gội đầu cho bác vừa nói mãi bác mới chịu nghỉ ít ngày'".
Ông Nguyễn Duy Toàn (Trưởng ban liên lạc chi giáp dòng họ Nguyễn Duy làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội):
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông nội tôi và ông nội anh Mười là hai anh em ruột. Chính vì vậy, mặc dù cách xa nhau về tuổi tác và địa vị, tôi vẫn gọi nguyên Tổng Bí thư là anh Mười và anh vẫn gọi tôi là em một cách thân tình.
...
Anh Mười sống rất giản dị trong một ngôi nhà vừa vặn, xinh xắn. Sinh hoạt hằng ngày của anh khá đạm bạc, tiết kiệm tối đa từ điện nước đến đồ ăn, thức uống. Món ăn anh và gia đình ưa thích nhất, thật bất ngờ lại chỉ là dưa cà và su hào muối. Anh bảo tôi lên nhà anh chơi đừng mang quà cáp hay đồ cao lương mỹ vị, anh đi nhiều trải nhiều, nhưng chỉ thích su hào muối. Món ăn đậm đà giản dị như chính tấm lòng của một người luôn hướng tới dân, sống hòa mình cùng đời sống của nhân dân.
Người xưa có câu "một người làm quan, cả họ được nhờ", nhưng với anh, điều đó không hoàn toàn đúng. Anh chăm nom và lo cho họ hàng thân quyến hết sức có thể, nhưng anh dạy con cháu đi lên bằng năng lực và sự không ngừng phấn đấu. Anh hướng cho con cháu con đường đi chứ không cho một vị trí để dựa dẫm vào đó. Mỗi người, dù là họ hàng thân thuộc, cũng phải cống hiến và đi lên bằng khả năng của chính mình.
Tư liệu tham khảo:

- Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012). 

- Trích bài viết "Trong gia đình anh rất giữ lễ" của ông Nguyễn Thọ Chân (Lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động).

- Trích bài viết "Những kỷ niệm sâu sắc về anh Đỗ Mười" của ông Nguyễn Tiệp (Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 - Khu Tả Ngạn).  

- Trích bài viết "Một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của ông Phan Trọng Kính (Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười).  

- Trích bài viết "Đỗ Mười, một phong cách" của nhà văn Chu Lai.

- Trích bài viết "Bác Đỗ Mười với quê tôi" của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên.

- Trích bài viết "Những bài học nhỏ thể hiện nhân cách lớn" của ông Nguyễn Duy Toàn (Trưởng ban liên lạc chi giáp dòng họ Nguyễn Duy làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người lãnh đạo gần dân, vì dân

(Kiến Thức) - Trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, điều mà nhiều cán bộ từng làm việc dưới quyền ông hay nhắc tới là ông rất gần dân, coi trọng người dân.

Tháng 8/2015, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Cảm phục bậc tiền bối, ông Nguyễn Thiện Nhân nói: "Ông có bài học gì dặn dò cho thế hệ trẻ chúng con không?”.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và những dấu ấn lớn suốt đời vì dân

(Kiến Thức) -Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 101 tuổi.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: Người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch

(Kiến Thức) - "Tôi tự nghĩ đồng chí Đỗ Mười là người nêu tấm gương  mẫu mực nhất về tinh thần học, học nữa, học mãi, học để có kiến thức làm việc và làm việc có hiệu quả".

Kiến Thức xin trích dẫn bài viết về Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Phạm Thế Duyệt. 
Trước hết, phải nói đồng chí Đỗ Mười là người mà cả cuộc đời đã "tận trung với nước, tận hiếu với dân", toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Trong lao tù đế quốc Pháp trước cách mạng năm 1945, đồng chí đã kiên trung bất khuất, vượt nhà tù Hoả Lò để về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Nguyen Tong bi thu Do Muoi: Nguoi hoc tro xuat sac cua Ho Chu tich
Chân dung đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: Infonet.  
Đồng chí được Đảng phân công hoạt động từ các cơ sở, làm Bí thư nhiều tỉnh, thành phố và Khu Tả Ngạn, làm Bộ trưởng nhiều bộ quan trọng, rồi làm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi đồng chí Phạm Hùng qua đời năm 1988, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, và nửa nhiệm kỳ khóa VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến khi nghỉ công tác ở tuổi 84, đồng chí vẫn luôn học tập, làm việc, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Làm nhiệm vụ gì đồng chí cũng hoàn thành và có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng.
Tuy là người không học cao theo hệ chính quy, nhưng đồng chí rất ham học tập qua thực tiễn, qua đọc sách, nghiên cứu. Tôi được biết hiếm có đồng chí lãnh đạo nào chịu khó nghiên cứu để tự nâng trình độ hiểu biết về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội như đồng chí. Chính vì vậy, đồng chí hiểu biết toàn diện, sâu sắc nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước. Mỗi khi đến thăm đồng chí, kể cả khi đồng chí đã nghỉ công tác, lúc nào tôi cũng thấy đồng chí đọc những tư liệu, những sách mới xuất bản (dày 400-500 trang) quan trọng. Đồng chí thường hỏi những vấn đề thời sự mọi người quan tâm và chỉ cho tôi những trang, dòng quan trọng đồng chí mới đọc. Tôi tự nghĩ đồng chí Đỗ Mười là người nêu tấm gương mẫu mực nhất về tinh thần học, học nữa, học mãi, học để có kiến thức làm việc và làm việc có hiệu quả.
Ấn tượng sâu sắc của tôi là đồng chí Đỗ Mười trên cương vị công tác nào cũng làm việc hết mình. Năm 1972, khi là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã triệu tập các bộ hữu quan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bàn việc mỏ than Mạo Khê mở rộng xuống mức âm 150 m theo hiệp định Trung Quốc giúp ta thiết kế và xây dựng cùng với xây dựng cầu Thăng Long khi đó. Đây là cuộc họp cấp Chính phủ triệu tập mà không có giờ nghỉ trưa, cuối cùng đã có kết luận rõ trách nhiệm mọi việc cần giải quyết thuộc các bộ, các ngành, địa phương và cần làm. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về ngày làm việc với đồng chí Đỗ Mười.
Sau này, kể từ năm 1982 đến nay, tôi càng hiểu sự quan tâm xây dựng nền công nghiệp nước nhà của đồng chí. Tôi thiết nghĩ có được nhiều công trình xây dựng và cơ sở công nghiệp về nhiệt điện, thủy điện cơ khí thủy lợi lớn như Hòa Bình, Uông Bí, Phả Lại, Diezel Sông Công, Apatít Lào Cai, dầu khí Vũng Tàu - Nam Côn Sơn, thủy lợi Dầu Tiếng - An Giang... thì công lao đóng góp của đồng chí Đỗ Mười và lớp cán bộ lãnh đạo đi trước thật không sao kể hết. Chính nhờ những chủ trương đúng đắn về phát triển công nghiệp trước đây mà đã tạo dựng được cơ sở và điều kiện cho công cuộc đổi mới hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế thành công như hiện nay.
Nguyen Tong bi thu Do Muoi: Nguoi hoc tro xuat sac cua Ho Chu tich-Hinh-2
 Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN.
Những năm đầu đổi mới, tôi được Đảng phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Chính phủ, Bộ Chính trị luôn quan tâm giúp đỡ Hà Nội giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng để xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ tem phiếu, giữ vừng Thủ đô Hà Nội ổn định và phát triển. Nhờ sự giúp đỡ của Trung ương và đồng chí Đỗ Mười với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) rồi cương vị Tổng Bí thư của Đảng mà Thủ đô đã thực sự đổi mới đúng hướng, phát triển nhanh với những bước đi vững chắc, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm tuổi hôm nay.
Nhớ lại sự kiện mất ổn định ở nông thôn Thái Bình cuối năm 1997, tôi được Bộ Chính trị giao trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Chính trị về giải quyết. Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, sau là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã luôn luôn quan tâm, theo dõi tình hình Thái Bình và góp ý cách xử lý giải quyết của tổ công tác cùng với Đảng bộ Thái Bình. Kết quả là tình hình Thái Bình đã nhanh chóng ổn định, nhân dân Thái Bình rất tin tưởng ở sự lãnh đạo giải quyết đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Nguyen Tong bi thu Do Muoi: Nguoi hoc tro xuat sac cua Ho Chu tich-Hinh-3
 Bộ Chính trị và các đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII (1996-2001) (Nguồn: Đỗ Mười - Những bài nói và viết chọn lọc (tập 1). Ảnh: VOV. 
Từ tình hình ở Thái Bình, đồng chí Đỗ Mười đã dày công góp phần chỉ đạo xây dựng và ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Nghị định số 29/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là ở xã, phường và khu dân cư. Chính nhờ những văn bản quan trọng này mà nhân dân cả nước rất phấn khởi, hưởng ứng thực hiện... Nghị định số 29/NĐ-CP đến nay đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên thành pháp lệnh về phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.
Đồng chí Đỗ Mười đã có công lao to lớn trong chỉ đạo xây dựng ban hành và hướng dẫn thực hiện những văn bản mang tính pháp quy về phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.
Khi về làm công tác chuyên trách ở Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất sâu sắc của đồng chí Đỗ Mười với các cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Ngày vì người nghèo" do Mặt trận phát động. Tuy tuổi đã ngoài 90 nhưng đồng chí Đỗ Mười đã nhiều lần đến cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tự tay bỏ những phong bì tiền vào hòm quỹ ủng hộ người nghèo, dự họp góp ý với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân Đại hội VI của Mặt trận (năm 2004). Những ý kiến của đồng chí bao giờ cũng rất sâu sắc và có sức cổ vũ đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tôi biết đồng chí không chỉ quan tâm đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị, mà đồng chí còn luôn quan tâm đến tâm tư tình cảm, đời sống vật chất, tinh thần cua các tầng lớp nhân dân.
Vài thập kỷ qua, đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, vi mô để cùng Đảng ta đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc theo Cương lĩnh chính trị năm 1991 của Đảng, tránh được sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa như Đông Âu, Liên Xô, mà đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, về ý thức tổ chức nghiêm minh và suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Mỗi lần đến thăm đồng chí Đỗ Mười ở nhà riêng, nhìn kỹ tấm hình Bác Hồ có dòng chữ Bác viết ở góc ảnh "Tặng chú Mười", tôi lại càng thêm cảm phục và quý trọng đồng chí.
Tôi tự nghĩ là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ai cũng có những khuyết điểm nhất định, nhưng phải nói đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta đã thực sự suốt đời sống vì Đảng, vì dân. Đồng chí rất xứng đáng là lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Năm nay, đồng chí Đỗ Mười sang tuổi 95, tôi ước mong đồng chí luôn minh mẫn, khỏe mạnh để tiếp tục góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư liệu tham khảo

- Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012)

- Trích bài viết "Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Phạm Thế Duyệt. 

Đọc nhiều nhất

Tin mới