Ngồi ăn cơm bên lò thiêu, sau mùng 10 mới dám đi chúc Tết hay mùng 2 Tết năm nào cũng ngập việc vì “đắt khách”... vất vả có, đôi khi nghi kỵ cũng có, nhưng những người “đốt” xác vẫn làm việc miệt mài bằng cái tâm của mình.
Duyên nghiệp với nghề “đốt” xác
Xuất phát điểm từ nghề bảo hiểm, rồi kế toán, cũng không rõ run rủi thế nào anh Nguyễn Nô En (Phú Thọ) lại bén duyên với nghề hỏa táng.
Khi Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức hình thành, anh Nô En vừa đảm nhiệm vai trò kế toán vừa xắn tay vào công việc vận hành lò thiêu xác.
Bởi những ngày đầu đó nhân viên nơi này rất ít, ai cũng kiêm nhiệm cả, có việc là nhào vào cùng làm.
Hỏa táng ở Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức. |
Nhớ về những ngày đầu khi làm công việc này, anh Nô En chia sẻ: “Khi mới biết mình đi làm ở nghĩa trang liên quan đến người đã mất, hàng xóm nhiều người dị nghị, thiếu thân thiện.
Nhưng chỉ là ban đầu thôi. Còn bản thân mình, gia đình mình nghĩ đơn giản, đó là một công việc”. Nhà có con nhỏ nên thoạt đầu, sau mỗi ca làm, anh Nô En cũng “đốt vía” mong tránh khí lạnh âm.
Tuy nhiên, thời gian về sau, anh cũng “quên” luôn hành động này vì có “thấy lạnh, thấy âm khí đâu?”.
Khi được hỏi có bao giờ thấy ám ảnh bởi nghề, anh En bật cười: “Nói nghe đơn giản vậy, nhưng không phải ai cũng vững tâm với công việc có liên quan đến người âm.
Ở đây, có những ông bảo vệ đến trực hôm trước hôm sau đã vội bỏ việc chỉ vì… sợ sởn da gà với cái lạnh âm u vương mùi tử khí. Thế nên không vững tâm cũng khó trụ với nghề”.
Ở Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức, công việc “đốt” xác luôn phải bố trí người túc trực 24/7, bất kỳ khi nào có khách là vận hành.
Thế nên có những ngày lò thiêu hoạt động hết công suất không ngừng nghỉ. “Công việc này liên quan đến vấn đề tâm linh, thế nên tất cả đều xăm xắn để các gia đình còn kịp ngày giờ đẹp chôn cất mộ phần cho người đã khuất”, anh Nô En cho biết.
Tại đây, mỗi ngày trung bình tiếp nhận khoảng 20 ca hỏa táng. Những ngày cao điểm mà thiếu người, đến giờ ăn anh em vẫn không thể rời lò. Lúc ấy, các anh chấp nhận báo nhà bếp mang cơm lên vừa ăn, vừa canh lò.
“Nghề nào cũng có cái vất vả riêng. Có nhiều gia đình vượt hàng trăm cây số đến hỏa táng rồi vội vã trở về ngay trong đêm.
Thấy họ sốt ruột, mệt mỏi chờ đợi nhận tro cốt, mình cũng muốn mau chóng thực hiện nhanh, tốt”, anh En cho hay.
Vốn là người chuyển giao kỹ thuật vận hành “lò”, thế nhưng sau một thời gian, anh Đỗ Tiến Lưỡng (Thanh Hóa), cũng bén duyên luôn với nơi này.
“Ban đầu khi thấy và tiếp xúc người đã mất cũng có cảm giác gai gai, hơi sợ… nhưng làm nhiều cũng thành quen. Khi mình chia sẻ với gia đình là sẽ ở lại đây luôn để công tác, sinh sống, cha mẹ cũng có chút băn khoăn.
Thế nhưng các cụ bảo làm gì cũng được miễn việc mình làm khiến cái tâm mình thanh thản là ủng hộ”, anh Lưỡng chia sẻ.
Sắp qua tuổi 30, nói đến chuyện có lo lắng việc khó có người yêu để thành gia lập thất vì đặc thù công việc, anh Lưỡng ngập ngừng: “Đành chờ duyên và đợi người con gái thấu hiểu”.
Tâm tư người làm nghề vui ít, buồn nhiều
Theo chia sẻ của các nhân viên làm ở Đài hóa thân hoàn vũ, các lò thiêu tại đây hoạt động 364 ngày trong năm và chỉ ngừng nghỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.
Và ngày mùng 2 luôn là ngày “đắt khách” nhất trong năm. Vào ngày này, người và máy đều hoạt động hết công suất, gấp đôi ngày thường.
Theo lý giải của anh Nô En, nhiều gia đình không kịp xếp lịch hỏa táng vào ngày cuối cùng của năm, cộng dồn với ngày đầu tiên của năm mới thế nên ngày mùng 2 năm nào cũng quá tải.
Ngày càng nhiều người lựa chọn dịch vụ hỏa táng nhận tro, cốt hoặc xương cho người nằm xuống. Tại Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức, Phú Thọ, 7 tháng đầu năm 2018 đã tiếp nhận khoảng 700 ca, bằng số ca của cả năm 2017.
Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong những ngày Tết, ngoài ca trực, nhân viên Đài hóa thân hoàn vũ chỉ dám thui thủi trong nhà.
“Từ ngày đi làm ở đây, ngoại trừ hai bên ông bà nội ngoại, còn lại tôi không đi chúc Tết bất kỳ gia đình nào dù thân hay sơ, ngay cả hàng xóm sát cạnh nhà.
Mình cứ chủ động kiêng cữ cho những người xung quanh, bởi lỡ có chuyện gì không hay đến với họ lại vừa mang tiếng, mình lại thấy áy náy”, anh Nô En chia sẻ.
Có chăng phải qua ngày mùng 10 Âm lịch, các anh mới “dám” đi thăm hỏi chúc Tết họ hàng, láng giềng.
“Thôi, mình cứ chủ động tránh, năm mới chỉ mong mọi điều tốt lành đến cho những người thân quen”, anh Lưỡng cũng cất lời.
Chia sẻ về những kỷ niệm với nghề, anh Nô En cho hay: “Nghề nào cũng có vui, có buồn.
Ở đây có không ít lần mình bị thân nhân người đã mất lao bổ vào mắng chửi sao dám đốt xác bố/mẹ họ dù chính gia đình họ chủ động đưa đến đây là dịch vụ hỏa táng.
Họ mắng chửi vô lý mình cũng phải chịu, bởi nghĩ cho cùng họ cũng đang quá xót xa với nỗi đau khi mất người thân yêu”.
Ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh ly biệt, mất người thân, nhưng anh Lưỡng cũng như nhiều anh em ở đây vẫn nhớ mãi ca hỏa táng liền cùng lúc cả 1 gia đình trẻ.
Cả 4 người gồm cha, mẹ và hai đứa con nhỏ cùng chết vì bị lũ cuốn trôi ở Định Thái, Tuyên Quang. 4 chiếc quan tài xếp sát nhau tang tóc khiến ai cũng xót xa thương cảm.
“Bọn mình chỉ biết cố gắng nhất có thể hỏa táng thật nhanh, gọn, cẩn thận, cầu mong họ sớm được siêu thoát, thanh thản ra đi”, anh Lưỡng cho hay.
Có đêm, anh Nô En lao vội từ nhà cách hơn 10km vào Đài hóa thân vì ca hỏa táng đột xuất của chàng phóng viên trẻ xấu số Đinh Hữu Dư bị lũ cuốn trôi trong khi đang tác nghiệp ở Yên Bái. Cũng ngay trong đêm đó, tro cốt của Dư kịp đưa về quê nhà chôn cất.
“Làm công việc gì cũng vậy, cần phải làm bằng chính cái tâm của mình. Với công việc này, mình nghĩ nếu làm tốt cũng là cách chia sẻ, giúp đỡ cho những cuộc ra đi của người mất thêm trọn vẹn”, anh Lưỡng cho hay.