Cựu đại úy Không quân Mỹ với kinh nghiệm hơn 13.000 giờ bay, ông John Nance nhận định vụ tai nạn máy bay Lion Air khiến 189 người mất tích trên biển và khó lòng sống sót là bất thường. “Chẳng có thứ gì trên máy bay, kể cả động cơ, có thể gây ra một cú đâm chúi mũi thảm họa như thế. Vì vậy, chúng ta nên tính đến khả năng, ví dụ, một quả bom”, ông Nance chia sẻ với Newshub.
Chuyến bay số hiệu JT-610 của hãng Lion Air trên hành trình đến hòn đảo Pangkal Pinang ở phía Bắc thủ đô Jakarta thì bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào lúc 6h33 sáng 29/10 theo giờ địa phương – chỉ 13 phút sau khi cất cánh.
Mảnh vỡ máy bay Lion Air vớt được trên biển. Ảnh: NBC News |
Cựu phi công máy bay chiến đấu này cũng gợi ý lỗi phi công hoặc một kế hoạch tự tử có thể đứng đằng sau vụ tai nạn thảm khốc này.
“Một chiếc máy bay như vậy không thể bình thường mà rơi khỏi bầu trời, kể cả một chiếc 737 đời cũ hơn”, ông nói, “Thứ chúng ta có ở đây là một đường bay chẳng hề có ý nghĩa gì, khả năng là một quả bom hay một lỗi sai trầm trọng nào đó”.
Ngay trước khi xảy ra thảm kịch, cơ trưởng người Ấn Độ Bhavye Suneja đã báo cáo về “lỗi kỹ thuật”, cũng như yêu cầu quay trở lại sân bay khoảng 2 – 3 phút sau khi cất cánh. Trạm không lưu cho phép máy bay quay đầu song chiếc Boeing 737 MAX 8 đã biến mất khỏi radar và rơi từ độ cao 1,500m xuống biển.
Mời độc giả xem video: Các mảnh vỡ của máy bay Lion Air được lực lượng cứu hộ Indonesia tìm thấy (Nguồn: Channel NewsAsia)
Chuyên gia hàng không người Australia, ông Byron Bailey lại tin việc phi công thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
“Đó không phải lỗi máy bay. Tôi chắc chắn. Bạn thực sự phải nhìn vào ngân sách của các hãng hàng không và chương trình đào tạo phi công của họ”, ông Bailey nói. Tại các hãng như Qantas, Emirates…, phi công được tập huấn xử lý tình huống mô phỏng mỗi 6 tháng, nhưng nếu thiếu ngân sách, phi công sẽ không được tập huấn trên mô hình.
Chủ tịch hãng hàng không Lion Air Edward Sirait ngày 29/10 khẳng định chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi cùng ngày tại Indonesia hoàn toàn “đạt tiêu chuẩn an toàn bay”. Ông bổ sung rằng phi công đã tuân thủ quy trình kiểm tra phi cơ trước khi bay.