Cụ Nguyễn Trà, 80 tuổi, thủ từ đình Trung Tự (phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) hậu duệ đời thứ 9 của ông Nguyễn Hy Quang kể: "Ông Nguyễn Hy Quang, một người thầy dạy học ba đời chúa Trịnh xưa kia, được chúa Trịnh cấp đất, dẫn voi đến dậm nền nhà. Sau này ông mất, chúa Trịnh Bính cho người lập miếu thờ và được Trịnh Doanh phong là Phúc Thần. Được dân làng Trung Tự tôn là Thành hoàng làng.
Thầy dạy ba đời chúa Trịnh
Thầy dạy ba đời chúa Trịnh
Theo sử sách ghi chép, cụ Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), gốc ở Gia Miêu ngoại Trang, thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Lúc nhỏ khôi ngô, tuấn tú, có lần nhũ mẫu cho ra hồ Tây tắm, gặp thầy xem tướng khen rằng: "Đây là bậc hiền năng như Trương Lương đời Hán, Ngụy Trưng đời Đường. Ngày sau sẽ làm việc lớn phò vua, giúp nước".
Khi lớn lên Hy Quang theo cha học thầy Nguyễn Tự Huy (người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Học hai năm đã nổi tiếng thông minh, nhưng tự cảm thấy chưa đủ tiến, cậu học trò Hy Quang chuyển sang học quan Trưởng sử họ Trần (người huyện Chương Đức, Hà Đông cũ). Năm 24 tuổi gặp kỳ thi hương khoa thi Đinh Dậu, niên hiệu Thịnh Đức 5 (1657), Nguyễn Hy Quang thi đỗ cả 4 trường (tức thi 4 kỳ) chiếm giải Nguyên. Năm 1670, ông được bổ nhiệm làm giáo phụ phủ Thường Tín, thời gian sau tiếng tăm về tài năng, cương trực cùng lối sống thanh bạch của ông được nhiều người biết đến.
Ông có đóng góp lớn đối với làng Trung Tự trong việc đòi lại đất bị quan lại lấn chiếm từ nhiều đời trước. Sau khi đỗ giải Nguyên, ông đã vận động các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ. Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674, sau khoảng 80 năm phải "ở nhờ", người dân Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất của mình.
Năm ông Hy Quang 40 tuổi, chúa Tây vương Trịnh Tạc mến tài đức đã gọi ông vào kinh làm Sư Phó rèn dạy các thế tử. Công việc dạy thế tử mới sau một năm chúa khen và cho cùng bàn luận đạo chúa tôi. Năm 1682 chúa Trịnh Tạc chết, con thứ là Trịnh Căn kế vị mở phủ Tiết chế cho con là khiêm Quận Công, sai ông phò tá. Sau này khi Khiêm Quận công chết, chúa cho cháu là Thái úy Tấn Quốc công Trịnh Nhuế (Bính) mở phủ Tiết chế thống soái bá quan và lại uỷ thác cho ông phò tá.
Cụ Trà bên ngôi đình thờ Phúc Thần Nguyễn Hy Quang. |
Lập đàn tế cầu sức khoẻ cho thầy
Cụ Trà cho hay, theo sử sách ghi lại khi ông Hy Quang cáo quan về nhà trị bệnh chúa Trịnh Bính rất lo lắng. Chúa sai người lập đàn tế cầu trời xin tuổi thọ cho thầy, đích thân chúa còn viết văn tế cầu trời cho thầy khoẻ mạnh. Sau khi ông Hy Quang qua đời, chúa thương xót vô cùng, ra lệnh đóng cửa phủ nghỉ chầu ba ngày, sai quan lo trọng sự tang tế. Triều đình truy tặng ông là Công Bộ Thượng Thư, phong ông là Phúc Thần.
Đến năm cảnh Hưng 44 (1783) và cảnh Hưng 46 (1785), Trịnh Tông ra lệnh chỉ, sai quan làm lễ thiếu lao cho dân hai quê nội ngoại của ông Hy Quang là phường Đông Tác và phường Kim Hoa (Kim Liên ngày nay). Chúa còn miễn cho làng Trung Tự 31 suất đinh đi làm sái phu, tạp dịch để chuyên tâm cho việc quét dọn hương đăng nơi miếu thờ ông Hy Quang.
Để trả công ơn dạy dỗ của thầy, Trịnh Bính đã biếu khu đất bên hồ Ba Mẫu cho ông làm nhà và sinh sống. Biết đó là nơi có nền đất yếu Trịnh Bính cho quân dẫn theo đàn voi đến khu đất dậm nền nhà cho vững chắc. "Sau khi ông Hy Quang mất, chúa Trịnh cho xây miếu để thờ thầy, nhưng năm 1946 thực dân Pháp sang xâm lược, bọn chúng đã phá đền. Dân làng Trung Tự ra lấy bài vị của ông về xây đình để thờ phụng và tôn ông là Thành hoàng làng", cụ Trà cho hay.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI LIÊN QUAN