Trong tuần 9-13/3, chỉ số VN-Index rơi mạnh từ 891,44 điểm xuống 761,78 điểm, tương ứng mức giảm 14,55%. HNX-Index cũng giảm 10,8% xuống 101,38 điểm.
Tuần qua cũng được xem là “tuần đen tối” của thị trường chứng khoán với tất cả các phiên giảm điểm. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 9/3, VN-Index bị thổi bay gần 56 điểm – phiên giảm mạnh nhất (tính theo tỷ lệ %) trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt mã giảm sàn ở tất cả các nhóm ngành. Trên các sàn giao dịch có tới 675 mã giảm điểm.
Phiên này, thị trường trải qua một đợt bán tháo mạnh. Điều này đa phần là do ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực từ thị trường thế giới cũng như trong nước, cụ thể là những ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam, cũng như diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới, từ đó dẫn đến tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khiến họ đồng loạt “thoát hàng”.
Chứng khoán chao đảo trong tuần 9-13/3 vì Covid-19? |
Trong phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng đều chìm trong sắc đỏ, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, các chỉ số kết thúc phiên giao dịch này đã hồi phục mạnh mẽ, dần thu hẹp được đà giảm sâu.
Sự suy yếu của các Large Cap như VCB, BID, VIC, GAS là nguyên nhân chính tác động tiêu cực lên thị trường. Ngoài ra, còn có thể kể đến sự sụt giảm của các cổ phiếu khác như VHM, PLX, SAB…
Nhóm ngân hàng giao dịch với tình trạng rất bi quan. Hầu hết các cổ phiếu nổi bật trong ngành như BID, VCB, TCB, VPB đồng loạt “bay” hơn 15% giá trị thị trường trong tuần qua. Trong khi đó, nhờ vào phiên cuối tuần tăng mạnh đã giúp thu hẹp đà giảm của các mã như STB, HDB, NVB.
Nhóm thực phẩm đồ uống cũng hòa chung với sắc đỏ của thị trường. Các Large Cap đại diện trong ngành như SAB, MSN, VNM đều sụt giảm mạnh khi áp lực bán tháo đã xuất hiện.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lệnh hạn chế đi lại từ châu Âu đến Mỹ trong một nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19. Điều này phần nào tác động tiêu cực lên các cổ phiếu nhóm dầu khí. Các bluechip trong ngành như GAS, PVS, PVD, PVB, PVC vì vậy cũng không thể tránh khỏi đà lao dốc.
Như vậy, áp lực bán đè nặng lên thị trường trong tuần giao dịch vừa qua. Nguyên nhân chính đến từ việc diễn biến ngày càng xấu đi của dịch bệnh Covid-19.
Các cổ phiếu tăng/giảm mạnh trong tuần 9-13/3 theo thống kê VietstockFinance. |
Với mức giảm sâu trong tuần qua, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM) đã bị "thổi bay" hơn 590.000 tỷ đồng, tương ứng 25,5 tỷ USD.
Trước diễn biến phức tạp này, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) Trần Văn Dũng cho rằng: “Nhà đầu tư không nên bán tháo, bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng nói.
Nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, lãnh đạo một số doanh nghiệp và người có liên quan đã công bố nhu cầu mua vào cổ phiếu, chẳng hạn ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG; Chủ tịch CTCP Halcom Việt Nam đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu HID; Chủ tịch CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu SKG,…
Cùng với đó, một số doanh nghiệp niêm yết đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ như Tập đoàn PAN mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu; TPBank đăng ký mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ,…