Khuyến nghị mua ACB với giá 33.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố các chỉ tiêu tài chính chủ yếu sau:
Tổng tài sản: 668,8 nghìn tỷ đồng (+10% YoY) so với dự báo cả năm là 675,7 nghìn tỷ đồng (+10,9% YoY). Tăng trưởng tín dụng: 9,7% theo hạn mức tín dụng ban đầu mà ACB nhận được trong tháng 2. ACB sẽ điều chỉnh tăng tăng trưởng tín dụng nếu được NHNN cho phép. VCSC hiện dự báo tăng trưởng tín dụng của ACB là 15%.
Tiền gửi của khách hàng bao gồm giấy tờ có giá: 495,4 nghìn tỷ đồng (+8,1% YoY) so với dự báo cả năm là 512,7 nghìn tỷ đồng (+11,8% YoY). Tỷ lệ nợ xấu: Dưới 2% so với dự báo năm 2023 là 1,05%.
Lợi nhuận trước thuế (LNTT): 20,1 nghìn tỷ đồng (+17,2% YoY) so với dự báo là 18,7 nghìn tỷ đồng (+9,6% YoY). Về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2022, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25% mệnh giá, trong đó 15% là cổ tức bằng cổ phiếu và 10% là tiền mặt.
VCSC hiện khuyến nghị MUA đối với ACB với giá mục tiêu là 33.400 đồng/cổ phiếu.
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 27/3? |
Khuyến nghị theo dõi TCB
CTCK Bản Việt (VCSC): Ngày 22/3/2023, Moody's thông báo điều chỉnh (1) xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi bằng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) từ Ba2 xuống Ba3 và (2) đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của TCB từ ba2 xuống ba3. Ngoài ra, Moody’s thay đổi triển vọng từ ổn định sang tiêu cực đối với xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của TCB.
Moody's giải thích rằng những thay đổi xếp hạng này dựa trên những lo ngại cho rằng chất lượng tài sản của TCB có thể bị ảnh hưởng do ngân hàng này có dư nợ tín dụng khá lớn với lĩnh vực BĐS trong bối cảnh (1) số công ty BĐS gặp khó khăn khi thanh toán các khoản nợ gia tăng, (2) các vụ việc điều tra, khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật của các chủ doanh nghiệp và ban lãnh đạo của các công ty BĐS và (3) sự suy yếu trong doanh số bán BĐS.
Moody’s cũng bày tỏ lo ngại về những bất ổn trong hoạt động của ngành BĐS tại Việt Nam, khiến tổ chức này điều chỉnh xếp hạng triển vọng thành tiêu cực. Moody’s nhấn mạnh việc điều chỉnh xếp hạng này không liên quan đến các sự việc gần đây của các ngân hàng Mỹ và các sự kiện tại Credit Suisse Group AG.
Moody's cho biết việc nâng xếp hạng khó có thể xảy ra trong bối cảnh xếp hạng triển vọng tiêu cực. Tuy nhiên, Moody's có thể thay đổi triển vọng thành ổn định nếu: (1) các khó khăn trong lĩnh vực BĐS giảm dần, hoặc (2) ngân hàng duy trì tỷ lệ tài sản có vấn đề, bao gồm cả tài sản tái cơ cấu, ở mức dưới 2% trong 12–18 tháng tới đồng thời giảm dần sự tập trung vào ngành BĐS và (3) ngân hàng giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn ngoài thị trường 1 đồng thời tăng tỷ trọng tài sản có tính thanh khoản trên tài sản hữu hình cao lên hơn 15% trên cơ sở bền vững.
Theo Moody's, tỷ lệ nguồn vốn huy động ngoài thị trường 1 của TCB trên tài sản hữu hình và tỷ trọng tài sản có tính thanh khoản cao so với tài sản hữu hình tính đến năm 2022 lần lượt là 29% và 8%.
Trong khi đó, Moody’s có thể hạ xếp hạng nếu tỷ lệ tài sản có vấn đề của TCB, bao gồm cả tài sản tái cơ cấu, tăng lên trên 5%. Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khả năng tiếp cận vốn mới bị hạn chế sẽ có tác động tiêu cực đối với xếp hạng, theo Moody's.
VCSC lưu ý rằng TCB đã được nâng hạng đối với (1) xếp hạng tổ chức phát hành và tiền gửi nội tệ và tiền gửi dài hạn từ Ba3 lên Ba2 và (2) BCA từ ba3 lên ba2 vào tháng 9/2022. Do (1) chênh lệch thời gian giữa kỳ nâng xếp hạng tín nhiệm gần nhất vào tháng 9/2022 và lần thay đổi xếp hạng tín nhiệm này của Moody's là ngắn và (2) TCB không huy động thêm bất kỳ khoản vay hợp vốn nước ngoài mới nào trong giai đoạn này, VCSC cho rằng chi phí vay nước ngoài của TCB có thể không tăng do thay đổi xếp hạng tín dụng so với năm ngoái.
VCSC lưu ý rằng lần huy động vốn nước ngoài gần đây nhất của TCB là vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, với việc Moody's thay đổi xếp hạng tín nhiệm trong bối cảnh lãi suất cao, VCSC cho rằng kế hoạch huy động vốn nước ngoài của TCB có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong tương lai.
Khuyến nghị theo dõi C4G
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) là nhà thầu thi công hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam. Mảng kinh doanh lớn nhất của công ty là xây dựng (đóng góp 66% doanh thu năm 2022 của C4G), tiếp theo là bất động sản (11%), mua bán vật tư (11%), thu phí (10%) và các mảng khác (2%).
Doanh thu của C4G tăng 58% YoY trong năm 2022 từ mức cơ sở thấp nhờ hoạt động kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19; tuy nhiên, chi phí vật liệu xây dựng tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm 8% YoY. Nhờ quản lý chi phí hiệu quả, LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 của C4G đạt 168 tỷ đồng (+167% YoY).
VCSC kỳ vọng tăng cường giải ngân các công trình cơ sở hạ tầng giao thông sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận C4G trong năm 2023. Cụ thể, VCSC dự báo các dự án đang triển khai của C4G thuộc dự án Đường cao tốc Bắc Nam (CTBN) Giai đoạn 1 (bao gồm dự án Phan Thiết – Dầu Giây, Nghi Sơn – Diễn Châu và Mỹ Thuận – Cần Thơ) sẽ được ghi nhận doanh thu vào năm 2023.
C4G hiện đang giao dịch với P/E trượt cao hơn 13% so với mức trung vị của một số công ty cùng ngành. VCSC tin rằng con số này thể hiện kỳ vọng của thị trường với khả năng trúng thầu các dự án cơ sở hạ tầng giao thông của C4G trong thời gian tới. C4G thông báo sẽ trả DPS năm 2022 là 1.200 đồng.
Các rủi ro chính: (1) Giá vật liệu biến động bất lợi; (2) khả năng thu hồi vốn của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, (3) khả năng pha loãng EPS từ kế hoạch phát hành cổ phiếu năm 2023; (4) kế hoạch chuyển nhượng bất động sản tiếp tục bị trì hoãn.