"Chửi cha không bằng pha tiếng" : Bí ẩn tiếng Mường
(Kiến Thức) - Trong số rất nhiều phương ngữ được phát hiện ở Việt Nam, có một loại phương ngữ làm tốn rất nhiều giấy mực, công lao của các nhà nghiên cứu.
Đó là ngôn ngữ của người Mường ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ... Mặc dù chung một nguồn gốc nhưng người vùng này nói vùng kia không hiểu... Điều gì đã tạo nên sự khác biệt lạ lùng này?
Người Mường không hiểu tiếng Mường
Đây là hiện tượng đặc biệt trong cộng đồng người Mường trải dài từ Sơn La đến Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tây cũ... Có thể nói, hạt nhân của tiếng Mường chính là vùng Hòa Bình với các thể chế lang đạo phong kiến như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động gắn với tứ tính vi lang đạo (4 dòng họ làm lang đạo) đó là Đinh, Quách, Bạch, Hà. Vì thế nên người ta có thể coi Hòa Bình là cái nôi của người Mường. Nhưng dù vậy, có thể người Mường Hòa Bình nói thì người Mường ở phía Tây Nam Thanh Hóa không hiểu, hoặc người Mường Phú Thọ nói người Mường Sơn La, Thanh Hóa không hiểu...
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tìm ra nhiều sự khác biệt trong tiếng nói của người Mường ở những khu vực khác nhau. Chẳng hạn, người Mường ở Hòa Bình gọi bố mẹ là "eng, mạng" nhưng người Mường ở Thanh Hóa lại gọi là "bộ, pộ, mế". Một từ khác chẳng hạn từ "ăn thịt" trong khi người Mường Hòa Bình nói "ăn chóoc" thì người Thanh Hóa, Sơn La lại nói là "ăn xịt"... Sự khác biệt này cũng xảy ra ở vùng Mường Phú Thọ, Ba Vì với những vùng khác như Hòa Bình, Thanh Hóa...
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những nét tương đồng trong tiếng nói của người Mường ở các vùng khác nhau. Chẳng hạn, người Mường Hòa Bình nói uống nước là "ọng tác" thì người Thanh Hóa lại nói là "ọng rác, ọng nác", hoặc ví dụ khác người Mường Hòa Bình gọi con trâu là "con tru", người Mường Thanh Hóa gọi là "con tu". Ngoài ra, trong các bài cúng thần linh, thổ địa của người Mường ở các vùng có sự trùng lặp trong câu, từ. Chẳng hạn, "ăn dật ở dời, ăn chơi ở doộng", nhiều người Mường cũng không giải nghĩa được từ "ăn dật ở dời" là gì, nhưng trong việc cúng tế thần linh, tổ tiên họ thường sử dụng từ này để thể hiện lòng tôn kính.
Khi nghiên cứu về hiện tượng này, PGS.TS Đoàn Văn Phúc, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Ngôn ngữ học đã giải nghĩa những câu, từ mà người Mường sử dụng, thậm chí việc giải mã này còn thấy luôn những nét tương đồng giữa tiếng Mường với tiếng Kinh. Ví dụ, từ nước trong tiếng Mường gọi là "rác, tác, đác...", tiếng kinh gọi là "nác, nước...", vậy chữ "ác" trong tiếng Mường cổ hơn chữ "nác, nước" trong tiếng Kinh. Hiện tượng biến đổi âm này là kết quả của cả một quá trình tiếp xúc văn hóa với những dân tộc khác, vay mượn từ vốn từ dân tộc khác làm của riêng...
|
Ảnh minh họa. |
Ngôn ngữ vận động theo quy luật
Theo PGS.TS Đoàn Văn Phúc thì để giải thích được sự lạ lùng trong tiếng Mường như ở trên phải dựa trên 3 tính chất chung của ngôn ngữ. Thứ nhất đó là sự phát triển nội tại của ngôn ngữ, thứ hai là do tiếp xúc ngôn ngữ giữa các vùng miền khác nhau, thứ ba là từ vựng.
"Về sự tiếp xúc ngôn ngữ giữa các vùng khác nhau, chúng tôi thấy rằng, lịch sử của tiếng Việt - Mường vùng Nghệ Tĩnh mới chỉ cách đây gần 400 năm với sự di cư của người Mường xuống phía Nam. Họ chịu ảnh hưởng của văn hóa Khơme, trong khi miền Bắc lại trong mối giao thoa với văn hóa Hán, văn hóa Thái".
Như ví dụ về từ "nước" trong tiếng Mường ở trên, có thể giải thích từ "tác, rác, đác..." là do sự vận động của bản thân ngôn ngữ trong mối quan hệ tiếp xúc, giao thoa văn hóa với những tộc người khác. Chẳng hạn, người Mường Thanh Hóa và Sơn La đều có sự tiếp xúc với ngôn ngữ, văn hóa của người Thái, quá trình này làm cho tiếng nói, cách phát âm lệch dần so với cái nôi của nó.
Đặc điểm này không dừng lại ở hai dân tộc với nhau mà có thể là 3. Chẳng hạn như từ "chó má" dùng để chỉ những người không tốt, lòng dạ nham hiểm, thủ đoạn. Từ này người Kinh và người Mường đều sử dụng. Điều thú vị là chữ "chó" thì ai cũng biết về cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng chữ "má" thì nhiều người không biết đó là gì. Ngay các cả các nhà ngôn ngữ học cũng đau đầu trong việc truy tìm nguồn gốc của nó. Sau nhiều tìm tòi, giải mã từ "má" các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra đây chính là từ vay mượn của tiếng Thái. Người dân tộc Thái gọi "má" nghĩa là "chó". Đây chính là sự tiếp xúc ngôn ngữ thúc đẩy bản thân nó phát triển.
Nguyên nhân thứ hai là do sự phát triển của bản thân ngôn ngữ mà tiếng Mường không phải là ngoại lệ. Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ đã vay mượn từ vựng của một số dân tộc khác dẫn đến sự khác biệt so với cái nôi của nó. "Điều này đã giải thích tại sao trong cùng cộng đồng Mường với nhau nhưng người dân ở mỗi vùng lại có giọng nói khác nhau và có thể chính họ cũng không hiểu được tiếng của nhau", PGS.TS Đoàn Văn Phúc cho biết.
"Nếu so sánh với những phương ngữ khác nhau thì thấy, tiếng Mường có 5 thanh điệu, tiếng Kinh có 6 thanh, tiếng Hà Tĩnh có 5 thanh, tiếng Quảng Bình chỉ có 4 thanh. Mặc dù có sự khác về tiếng nói nhưng nhìn chung, tiếng Mường dù ở cái nôi của nó là Hòa Bình hay những vùng ảnh hưởng mạnh của tiếng Thái, tiếng Hán thì nó vẫn chỉ có 5 thanh điệu".
PGS.TS Đoàn Văn Phúc