Ban lãnh đạo Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thời hậu Trịnh Xuân Thanh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn (Ảnh minh họa). |
Sau thời gian dài dưới sự lãnh đạo của Trịnh Xuân Thanh, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vẫn chưa thể hồi phục. Những con số lợi nhuận khiêm tốn trong 3 năm 2014, 2015, 2016. Đến năm 2017, các thành quả đều bị xóa sạch với mức lỗ sau thuế hơn 416,3 tỷ đồng.
Tại buổi họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo PVC đã bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2018. Với những khó khăn hiện tại và tình trạng thua lỗ sau 6 tháng đầu năm 2018, rõ ràng vẫn còn rất nhiều thử thách đang chờ đợi Ban lãnh đạo PVC trong thời gian tới.
Nửa năm, nợ quá hạn ngân hàng tăng gấp 4 lần
Mới đây, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã cổ phiếu: PVX) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét năm 2918.
Trong đó, dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC đã tăng tới 856 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2017, lên 1.151 tỷ đồng. Lỗ lũy kế không ngừng tăng lên, đến nay đã là 3.449 tỷ đồng.
Tại ngày 30.6.2018, PVC ghi nhận 9.649 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, hơn 96% là nợ ngắn hạn. Lỗ trong kỳ gần 62 tỷ đồng, tăng khoảng 18 tỷ đồng so với báo cáo do PVC tự lập.
Cùng với đó, một loạt kết luận ngoại trừ và vấn đề cần nhấn mạnh đã được đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam nêu ra trong BCTC.
Cụ thể, Deloitte đưa ý kiến ngoại trừ về việc nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của PVC-Land ảnh hưởng tới BCTC hợp nhất bán niên của PVC hay vấn đề liên quan tới nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh của PVC cho khoản nợ của PVC-SG với Oceanbank.
Trước đó, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II.2018 với kết quả bất ngờ báo lỗ trên 54 tỷ đồng dù quý 1 đã có lãi.
Cụ thể, tính riêng quý II, doanh thu thuần đạt 985,3 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí giá vốn vượt cả doanh thu nên PVC đã ghi nhận lỗ gộp 47,5 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ vẫn ghi dương 65 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính chỉ gần bằng 1/10 cùng kỳ, đạt hơn 6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 16 tỷ đồng, lên gần 62 tỷ đồng. Do vậy, dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 51 tỷ đồng, xuống còn hơn 19 tỷ đồng, thì PVC vẫn lỗ đến 117,5 tỷ đồng ngay trong quýII.2018 trong khi cùng kỳ lãi 1,5 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu trên BCTC quý II.2018 do PVC tự lập (Ảnh: I.T). |
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt 1.601 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 42% kế hoạch năm. Trừ các loại chi phí, nửa đầu năm 2018 PVC còn lỗ 91,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 5,6 tỷ đồng. Lỗ phân bổ về cho cổ đông công ty mẹ 44,1 tỷ đồng.
Tổng lỗ lũy kế đến hết quý II.2018 lên đến 3.437 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 2.330 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 4.000 tỷ đồng.
Mong manh số phận công ty
Theo thông tin trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, lãnh đạo chỉ PVC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 3.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với thực hiện năm 2017. Còn lợi nhuận không đặt chỉ tiêu cụ thể trong khi năm 2017 PVC ghi nhận khoản lỗ ròng 416 tỷ đồng.
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, lãnh đạo chỉ PVC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 3.800 tỷ đồng, còn lợi nhuận không đặt chỉ tiêu cụ thể (Ảnh minh họa). |
Còn mới đây, sau ý kiến ngoại trừ của Deloitte về việc nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của PVC Land ảnh hưởng tới BCTC hợp nhất bán niên của Tổng Công ty, PVC đã có giải trình rằng tình hình tài chính Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC-Land) là Công ty con của PVC. Hiện tại, Công ty đang trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào PVC Land dựa trên BCTC gần nhất là BCTC bán niên 2018 tự lập.
“PVC Land thuộc nhóm đơn vị trong diện tái cấu trúc của PVC. Ban lãnh đạo PVC tin tưởng việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào PVC Land là thận trọng, hợp lý và phù hợp với các chuẩn mực kế toán và quy định hiện hành”, Phó Tổng giám đốc PVC Nguyễn Đức Đạt cho biết.
Về ý kiến ngoại trừ liên quan đến một số khoản góp vốn vào đơn vị khác đang được trích lập dự phòng lần lượt là khoảng 49,7 tỷ đồng và khoảng 18,1 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
PVC cho rằng, tại ngày phát hành BCTC soát xét, Công ty chưa thu thập được BCTC bán niên 2018 của một loạt công ty. Theo giải trình, đây là các Công ty mà PVC có tỷ lệ giá trị đầu tư nhỏ, không chi phối được, hơn nữa PVC đã sử dụng BCTC thời điểm gần nhất của các đơn vị trên để thực hiện đánh giá các khoản đầu tư theo quy định. Mặt khác, PVC sẽ thực hiện thoái các khoản đầu tư trên trong thời gian sắp tới. Theo đó, Công ty tin tưởng việc đánh giá các khoản đầu tư tài chính vào các công ty này là phù hợp.
Đối với ý kiến ngoại trừ về vấn đề liên quan tới nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh của PVC cho khoản nợ của PVC-SG với Oceanbank. Liên quan đến việc hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ bảo lãnh của PVC đối với khoản vay của PVC-SG, lãnh đạo PVC cho biết, phía PVC-SG và Oceanbank đã có những cố gắng trong quá trình giải quyết khoản nợ vay trị giá 148 tỷ đồng.
Cụ thể, Oceanbank đã chấp thuận cho PVC-SG thực hiện phương án đầu tư kinh doanh Dự án Khu dân cư phát triển đô thị khu vực 2 và 3, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (Dự án Vị Thanh) cũng như giải chấp từng phần tài sản đảm bảo để PVC-SG bán hàng/bán tài sản tạo nguồn trả nợ gốc cho Oceanbank trước ngày 30.9.2019.
Mặt khác, PVC-SG cũng đã có tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay tại Oceanbank là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một phần tài sản hình thành trong tương lai tại Dự án Vị Thanh.
Sau khi tham vấn Công ty Tư vấn Luật, Ban Tổng Giám đốc của PVC đánh giá rằng Công ty chưa xuất hiện nghĩa vụ nợ ở thời điểm hiện tại đối với việc bảo lãnh khoản vay cho PVC-SG.
PVC đánh giá rằng việc trích lập và hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh khoản vay của PVC-SG là phù hợp với chuẩn mực kế toán và quy định hiện hành.
Về mặt kết quả kinh doanh, sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của Công ty ghi âm thêm gần 22 tỷ đồng. Kéo theo đó là khoản lỗ ròng tăng từ 44,1 tỷ đồng lên gần 62 tỷ đồng. Lý giải về việc này, lãnh đạo PVC cho biết sau soát xét bán niên, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty con của Công ty có nhiều thay đổi. Vì vậy trên BCTC hợp nhất sau kiểm toán của Công ty đã đánh giá lại một số khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, các khoản đầu tư tài chính của một số đơn vị thành viên theo chuẩn mực kế toán và Chế độ tài chính hiện hành.