Theo tin từ Trung tâm Chống độc (TTCĐ), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện này vừa tiếp nhận và điều trị cho hai trường hợp bệnh nhân nam bị ngộ độc rượu đặc biệt nguy hiểm với các biến chứng bong da, tổn thương mắt nếu không chữa trị kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.
Trường hợp đầu tiên là ông Nguyễn Văn T. (51 tuổi, quê ở Tân Tiến, Hải Hưng). Trước đó bệnh nhân uống rượu ở đám ăn hỏi ở quê và đến khoảng 9h sáng hôm sau tỉnh dậy thì mặt không còn nhìn thấy gì. Người thân gia đình đã đưa ông T., đến Bệnh viện tỉnh khám chữa và được các bác sĩ ở chẩn đoán bị ngộ độc rượu methanol và nồng độ methanol trong máu rất cao. Tiếp đó bệnh nhân được chuyển thẳng lên TTCĐ, Bệnh viện Bạch Mai điều trị: Còn trường hợp thứ 2 là ông N.V.L., ( 71 tuổi, ở Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội). Do mua rượu không rõ nguồn gốc bán ở đầu làng về nhà uống. Ông L., bị ngất lịm đi sau đó nhưng may mắn người trong nhà kịp thời phát hiện ra và chuyển nhanh đến Bệnh viện điều trị.
Bệnh nhân N.V.L, (71 tuổi, Lạng Sơn) bị ngộ độc rượu methanol đang nằm điều trị tại TTCĐ, BV Bạch Mai (Hà Nội). |
Bên cạnh hai trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu nặng trên phía Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận thêm một số bệnh nhân sau khi uống rượu vào bị ngộ độc và đi ngủ mà những người thân trong gia đình không hề biết và trở nên nguy kịch đến tính mạng. Điển hình là một trường hợp bệnh nhân nam ở Hà Nam, sau khi uống rượu và bị ngộ độc bệnh nhân về nhà nằm ngủ luôn, Khi người thân phát hiện ra gọi dậy nhưng mãi không tỉnh. Bệnh nhân đã được chuyển đến TTCĐ, BV Bạch Mai điều trị và não bị tổn thương rất nặng, gần như khó có khả năng phục.
Trao đổi với PV Kiến Thức, T.S. BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám Đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cả hai trường hợp ông T., và ông L., đều nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu methanol nặng, phải lọc máu liên tục. Điều đáng nói, các bệnh nhân bị ngộ độc thường vào viện sau 1-2 ngày bị ngộ độc hoặc có những biến chứng khác”.
“Đối với các bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol ở mức nhẹ đều có thể bị ảnh hưởng đến thị lực, thần kinh, não, tim, mạch, máu… (còn ethanol nhẹ thì gây ức chế thần kinh trung ương gây kích thích, nói nhiều…). Số ca mà TTCĐ tiếp nhận thời điểm cận tết ẤT Mùi tăng liên tục từ 3-5 ca/1 ngày (những ngày Tết có thể tăng cao hơn nữa). Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong”, T.S.BSCKII Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm.
Để tránh rơi vào tình trạng ngộ độc rượu trong những ngày Tết, T.S. BSCKII Nguyễn Kim Sơn cũng đưa ra lời khuyên: “Nói không với uống rượu; nếu sử dụng rượu, nên uống có chừng mực (uống có tính chất khai vị, tốt hơn hết nên ăn rồi hãy uống); không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; một ngày không nên uống quá 3 đơn vị rượu đối với nam, 2 đơn vị rượu đối với nữ (1 đơn vị rượu tương đương 10gr rượu = 1 lon bia 330ml = 100ml rượu vang = 30ml rượu mạnh Vodka)… Nếu thực hiện được như vậy, người dân có sức khỏe tốt để đón một cái Tết cổ truyền ấm cúng, vui vẻ hơn đối với người thân, gia đình.