Chủ trương, chính sách đất đai trong nông nghiệp

Tỉnh Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh...

Tỉnh Sơn La nằm ở phía Bắc Tây Bắc, có 12 đơn vị hành chính (gồm 01 thành phố và 11 huyện) với 204 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn tỉnh Sơn La có 1.287.718 người với 12 dân tộc; cách thủ đô Hà Nội trên 300 km. (2) Đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi và đất mùn trên núi cao. Độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt nước biển, địa hình bị chia cắt bởi sông Đà, sông Mã và các dãy núi cao; có 2 cao nguyên (Mộc Châu và Nà Sản) có địa hình tương đối bằng phẳng. Tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên là 1.410.983 ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp: 1.056.751 ha (Đất sản xuất nông nghiệp: 408.970 ha; Đất lâm nghiệp: 644.030 ha; Đất nuôi trồng thủy sản: 3.409 ha; Đất nông nghiệp khác: 342 ha), chiếm 74,89% tổng diện tích đất tự nhiên. (3) Sơn La có khí hậu nhiệt đới, mang đặc điểm khí hậu chung của vùng Tây Bắc: Mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. (4) Hệ thống thủy văn phong phú, khá dày với 2 hệ thống chính là sông Đà dài 280 km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu. Lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình có diện tích mặt nước trên 40.000 ha. Đây là lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp (chè, mía, cà phê, cao su...), cây ăn quả (xoài, nhãn, dứa, na, chuối...), rau, hoa, dược liệu, chăn nuôi, thủy sản tập trung, quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng của địa phương.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp, gắn với cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã năm 2012; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”…. Tỉnh Sơn La đã tập trung cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh với các nội dung chủ yếu như sau:
Một là, Tỉnh ủy Sơn La đã đề ra 7 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó có chương trình: "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm; gắn với bảo vệ môi trường bền vững". Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, Tổ công tác để chỉ đạo thực hiện.
Hai là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Thông báo Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 phê duyệt về Đề án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; ban hành Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 phê chuẩn Đề án về phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020…Tỉnh đã chuyển từ chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" sang chủ trương "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" bằng các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp để phát triển lực lượng sản xuất như: ban hành 18 văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp (Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai các chính sách hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn nhằm phát huy, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với giải quyết những vấn đề xã hội còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, giảm nghèo, thiên tai, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững), qua đó đã hỗ trợ cho trên 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 50.000 lượt hộ gia đình, cá nhân; ban hành Đề án ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh nghiên cứu, vận dụng, tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng thẩm quyền. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng xây dựng kế hoạch, tham gia phản biện về chính sách hỗ trợ và tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên cấp huyện, cấp xã thực hiện. Hàng năm tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ba là, tập trung đổi mới quan hệ trong tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản an toàn và tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.Tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Các hợp tác xã đáp ứng ngày càng cao về các dịch vụ cho các hộ thành viên, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Từ đó, cơ chế tổ chức và quản lý hợp tác xã từng bước được hoàn thiện và chặt chẽ hơn; phát triển đa dạng về ngành nghề, gia tăng về quy mô; phát huy được tinh thần tương trợ trong sản xuất, đời sống, giúp tăng thu nhập cho hộ thành viên; đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các hợp tác xã giúp và kiểm soát các hộ thành viên hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức sản xuất trên diện rộng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; thương hiệu sản xuất được hình thành và ngày càng được tín nhiệm cao.
Bốn là, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông sản, thủy sản thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính vào trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chuyển mạnh diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.
Năm là, tổ chức các đoàn công tác đi nghiên cứu, làm việc, thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các tổ chức, cá nhân trong phát triển vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn với đầu tư nhà máy chế biến nông sản, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại nông sản ra nước ngoài. Thực hiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào nhà máy để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản. Chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết mối tiêu thụ sản phẩm nông sản tập trung, hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Từ các lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự quyết liệt, chỉ đạo sát sao và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La của các cấp chính quyền địa phương. Dẫn đến xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Sơn La như:
Thứ nhất, Mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn 12 huyện, thành phố
Giai đoạn 2015 - 2021, thực hiện chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn 12 huyện, thành phố, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La: 82.805 ha (Trong đó một số loại cây ăn quả chủ yếu như xoài: 19.847 ha; Nhãn: 19.580 ha; Chuối: 5.634 ha; Mận: 11.423 ha; Chanh leo: 982 ha; Bơ: 1.270 ha; Na: 358 ha; Cây ăn quả có múi: 4.957 ha; Thanh long: 190 ha; Sơn tra:12.232 ha; Cây ăn quả khác: 6.332 ha).
Sử dụng giống ghép; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, bón phân hòa tan; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GAP khác. Đến nay, diện tích cây ăn quả ghép cải tạo: 13.109 ha; diện tích cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc GAP khác trên 1.500 ha; diện tích cây ăn quả được cấp 241 mã số vùng trồng để phục vụ công tác xuất khẩu là 3.865,45 ha; phát triển được 339 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích 8.635 ha; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước: 532,4 ha; diện tích áp dụng nhà lưới, nhà màng, nhà kính: 7,5 ha; 22 sản phẩm sản xuất từ quả đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 152 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...) diện tích 3.374 ha, sản lượng 40.164 tấn/năm.
01 chỉ dẫn địa lý (Xoài tròn Yên Châu); Nhãn hiệu chứng nhận: 10 sản phẩm (Nhãn Sông Mã, Sơn La; Cam Phù Yên, Sơn La; Táo Sơn Tra Sơn La; Bơ Mộc Châu, Sơn La; Na Mai Sơn, Sơn La; Bơ Sơn La; Nhãn Sơn La; Xoài Sơn La; Chanh leo Sơn La; Mận Sơn La).
Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh được mở rộng đến các siêu thị lớn, trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, các nước EU, Mỹ…. Năm 2018, xuất khẩu được 17.501 tấn quả các loại; Năm 2021, xuất khẩu được 23.488,63 tấn (Trong đó Nhãn: 3.861,63 tấn; Xoài: 14.308 tấn; Chanh leo: 214 tấn; Chuối: 5.075 tấn; Mận hậu: 20 tấn; Thanh long: 10 tấn).
Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên 01 ha: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu/ha, xoài ghép 500 triệu/ha, nhãn ghép 360 triệu/ha, na Hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng/ha. Góp phần giải quyết việc làm cho 6.678 lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân đặc biệt là nông dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La.
Ngoài ra, thu hút được bảo quản, sơ chế, chế biến quả phát triển như: (1) Chế biến nhãn: 495 cơ sở sơ chế biến long nhãn. Hiện nay có trên 3.000 lò sấy nong nhãn. (2) Chế biến các sản phẩm Xoài, Mận, Chuối, Chanh leo, Dứa: 6 cơ sở chế biến quả. Các cơ sở có công suất từ 2 tấn đến 3 tấn quả tươi/ngày (từ 200 tấn đến 300 tấn quả tươi/năm). (3) Chế biến quả Sơn Tra: 02 cơ sở chế biến cho ra các sản phẩm như: Rượu vang Sơn Tra, Rượu Táo Mèo, nước ép từ quả Sơn Tra, Sơn Tra sấy khô. (4) Nhà máy chế biến rau, quả quy mô công nghiệp: 03 Nhà máy, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La tại huyện Mai Sơn.
Thứ hai, Mô hình trồng rau an toàn
Tỉnh đã triển khai một số mô hình trồng rau an toàn, tổng diện tích 8.431 ha, trong đó đã lựa chọn các giống rau có khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: 130,5 ha; nhà lưới, nhà kính, nhà màng: 15,7 ha. Toàn tỉnh hiện có 890,79 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, 62 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau an toàn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 32 chuỗi rau an toàn, diện tích 194 ha, sản lượng 8.444 tấn/năm.
Nhãn hiệu chứng nhận: 18 sản phẩm (Rau an toàn Mộc Châu, Sơn La; Rau an toàn Sơn La); Nhãn hiệu tập thể: 1 sản phẩm (Khoai sọ Thuận Châu). 2 sản phẩm sản xuất từ rau đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Thị trường tiêu thụ: Các siêu thị lớn, trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN…. Nhiều diện tích trồng rau đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 01 ha: su su 150 triệu/ha; cà chua 200 triệu/ha; cải mèo 180 triệu/ha; xà lách cuộn 220 triệu đồng/ha…. góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho 897 lao động thường xuyên.
Thu hút Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ; 02 cơ sở chế biến các sản phẩm từ rau đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thứ ba, Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sữa tươi giữa hộ gia đình, cá nhân với Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu
Giống bò HF thuần chủng được thụ tinh nhân tạo 100% tinh nhập ngoại, quản lý theo phần mềm VDM. Tổng đàn bò hiện có 29.150 con, sản lượng sữa đạt 96.100 tấn, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ bao gồm các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Giải quyết việc làm cho 3.000 - 4.000 người.
Hàng năm Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu nộp ngân sách nhà nước gần 200 tỷ đồng; quyền lợi cổ đông được đảm bảo cổ tức chi trả hàng năm từ 20 - 25% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với hàng nghìn hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy chế biến thức ăn gia súc TMR. Năm 2021 diện tích ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh Sơn La: 3.321 ha, sản lượng: 119.389 tấn.
Thứ tư, Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây công nghiệp (mía, chè, cà phê) giữa hộ gia đình, cá nhân với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; 26 cơ sở chế biến chè liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 7.000 hộ.
Năm 2021 trên địa bàn tỉnh Sơn La có Mía: 9.283 ha, sản lượng: 621.286 tấn; Chè: 5.844 ha, sản lượng chè búp tươi: 50.046 tấn; Cà phê: 17.864 ha, sản lượng cà phê nhân: 26.729 tấn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 02 chuỗi cà phê diện tích 66 ha, sản lượng 632 tấn/năm; 09 chuỗi chè diện tích 527 ha, sản lượng 7.515 tấn/năm. 01 Vùng chè Vinatea Mộc Châu ứng dụng công nghệ cao tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên từ cà phê: 2 sản phẩm; từ chè: 13 sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý: 2 sản phẩm (Chè Shan Tuyết Mộc Châu; Cà phê Sơn La). Nhãn hiệu chứng nhận: 2 sản phẩm (Chè OOlong Mộc Châu, Sơn La; chè Phổng Lái Thuận Châu, Sơn La). Nhãn hiệu tập thể: 1 sản phẩm (Chè Tà Xùa Bắc Yên). 02 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài (Chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017).
Năm 2021 xuất khẩu được: Chè: 10.600 tấn; Cà phê: 29.000 tấn; Đường: 10.900 tấn sang thị trường các nước.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Sơn La xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển nông nghiệp quy mô lớn giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
(1) Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái. Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa, cây trồng kém hiệu quả sang đất trồng các loại cây, nuôi các loại vật nuôi có hiệu quả hơn. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.
(2) Tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và phát triển các 20 vùng, 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị.
Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trạm trại giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản. Xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Bắc.
Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới.
(3) Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, kết nối với cơ sở chế biến nông sản và hệ thống logistic, kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.
(4) Xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường,...). Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.
(5) Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản xuất giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh thay thế các giống cây trồng hiệu quả thấp.
(6) Tiếp tục phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Quy mô vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao năm 2025: Diện tích: 135.000 ha, số lượng vật nuôi: trên 8 triệu con, sản lượng nông sản: 1,6 triệu tấn, sản lượng sữa tươi: trên 100 nghìn tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng: trên 70 nghìn tấn, sản lượng trứng: trên 80 triệu quả.
(7) Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sơn La theo hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nông thôn, do các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình thực hiện; phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm tạo ra có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện riêng của Sơn La. Giai đoạn 2021 - 2025 duy trì, phát triển 83 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao đã được cấp có thẩm quyền công nhận; phát triển thêm 47 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao mới.
(8) Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách thu hút thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp sinh thái; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dưới hình thức có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân. Ban hành và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; Bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; Đất đai; Tài chính, tín dụng; Đầu tư; Thuế; Phát triển nguồn nhân lực.
(9) Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hóa, thể thao; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa... Khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
(10) Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại; Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả./.

LHHVN tổ chức Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”

(Kiến Thức) - Ngày 20/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, TS.Phạm Xuân Phương - Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Sở TN&MT Thanh Hóa đề xuất ý kiến hướng đến sửa đổi, bổ sung luật đất đai

(Kiến Thức) - Sở TN&MT Thanh Hóa vừa đưa ra đề xuất hướng đến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn… tại diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tại buổi diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) vừa diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đã có một số ý kiến tham luận thú vị.
Bài tham luận xoay quanh thực trạng và giải pháp tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đọc nhiều nhất

Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Thót tim cảnh chăn cừu trên vách đá ở Thụy Sĩ

Sean Gallup, một nhiếp ảnh gia của Getty Images, đã đi cùng những người chăn cừu ở Thụy Sĩ trong chuyến chăn cừu “Schäful” hàng năm của họ ở những đồng cỏ trên núi cao, gần sông băng Oberaletsch và Grosser Aletsch.
Giá vàng hôm nay 19/01: Rơi thẳng đứng?

Giá vàng hôm nay 19/01: Rơi thẳng đứng?

Giá vàng hôm nay 19/01 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá vàng SJC, giá vàng 9999, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, giá vàng 24k, giá vàng 18k ra sao… sẽ được Tri thức và Cuộc sống cập nhật liên tục.

Tin mới

Làng hoa Tiền Giang rộn ràng vào vụ Tết

Làng hoa Tiền Giang rộn ràng vào vụ Tết

Tới thời điểm hiện tại, phần lớn hoa Tết tại Tiền Giang đã có thương lái đến mua hàng, chuẩn bị xuất đi phục vụ tại các chợ hoa xuân trong và ngoài tỉnh cho thị trường hoa Tết 2025.
Phát 'sốt' với kiểu nhà bê tông lợp mái tranh

Phát 'sốt' với kiểu nhà bê tông lợp mái tranh

Nhờ sự đặc biệt từ ý tưởng đến thiết kế, ngôi nhà mái tranh sau khi hoàn thành đã nhận được sự khen ngợi của nhiều người về một không gian sống hiện đại nhưng hòa hợp với thiên nhiên.