Chiều 6/3/2017 tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Vũ Minh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét (Qũy Toàn cầu) do Tiến sỹ Mark Dybul – Giám đốc điều hành Qũy Toàn cầu làm trưởng đoàn.
Tham gia cuộc làm việc còn có ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam các Nhà nghiên cứu, các chuyên gia về HIV/AIDS, đại diện Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Đặc biệt buổi làm việc có sự tham gia của bà Françoise Barré Sinoussi, người phát hiện ra HIV và được trao giải Nobel Y học.
TS. Mark Dybul – Giám đốc điều hành Qũy Toàn cầu (người ở giữa) |
Tại buổi làm việc, TS. Mark Dybul phát biểu bày tỏ sự cảm ơn tới Chủ tịch và ban lãnh đạo VUSTA đã dành thời gian tiếp Đoàn. Các đại biểu cũng đã được nghe báo cáo về việc triển khai Dự án VUSTA – Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và rất ấn tượng với kết quả triển khai dự án. TS. Mark Dybul nói: “Hôm nay chúng tôi rất vui mừng được gặp mặt các chuyên gia trong lĩnh vực HIV/AIDS và đặc biệt là các đại diện của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia dự án, hơn thế nữa lại là các đại diện trẻ. Mong muốn của Quỹ Toàn cầu lần này là muốn nghe ý kiến đóng góp của tất cả các đại diện về dự án, phương pháp triển khai đã phù hợp chưa, hiệu quả ra sao… Qũy Toàn cầu cũng muốn các đại diện của các tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội nói lên những đề xuất của mình trong giai đoạn mới, cần có thay đổi gì về chiến lược và phương thức tiếp cận”.
GS. TSKH. Đặng Vũ Minh – đã giới thiệu tóm tắt về kết quả dự án VUSTA – Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2017, giới thiệu về VUSTA và vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và các đề xuất chính cho giai đoạn 2018-2020.
GS. Minh nhấn mạnh: Các tổ chức xã hội của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt đối với chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS 2011-2020 và tầm nhìn 2030 cũng như các mục tiêu 90-90-90 của Chính phủ Việt Nam vào năm 2020 tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, chia sẻ về đề xuất của dự án VUSTA giai đoạn 2018-2020, GS Đặng Vũ Minh cũng nhấn mạnh: “Các can thiệp chủ yếu của dự án VUSTA sẽ tập trung vào 04 nhóm đối tượng đích (KP), bao gồm người nghiện chích ma túy (PWID), nam quan hệ đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm (FSW) và người chuyển giới (TG) tại 15 tỉnh/thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao tại Việt Nam, đặc biệt sẽ chú trọng can thiệp cho nhóm MSM – đối tượng có tỷ lệ lây nhiễm HIV đang gia tăng. Bên cạnh đó, VUSTA sẽ tập trung củng cố hệ thống cộng đồng tương thích và bền vững, giải quyết các vấn đề liên quan đến kỳ thị, phân biệt đối xử, vận động chính sách, bình đẳng giới và hỗ trợ pháp lý cho các nhóm dễ bị tổn thương v.v.”
Các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng đã bày tỏ sự quan tâm và đưa ra nhiều câu hỏi với Dự án VUSTA; các đại diện tổ chức xã hội để các cá nhân, đại diện từ cộng đồng cũng đã phát biểu nói lên tiếng nói của mình và những mong muốn thiết thực của họ cho đề xuất giai đoạn dự án mới.
Đoàn đại biểu Quỹ Toàn cầu và VUSTA chụp ảnh lưu niệm. |
Đây cũng là cơ hội tốt để các đại diện các tổ chức xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng trực tiếp đưa ra những khuyến nghị đối với Quỹ Toàn cầu và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và đại diện lãnh đạo Quỹ Toàn cầu trong chuyến thăm và làm việc này.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Đặng Vũ Minh đã trao cho TS. Mark Dybul Thư ghi nhận của VUSTA - vì những đóng góp tích cực và hiệu quả của Quỹ Toàn cầu cho việc xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2016 tại Việt Nam.
GS. Đặng Vũ Minh trao Thư ghi nhận cho TS. Mark Dybul. |