Chiều 26/2, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại cơ quan đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
100% cử tri tham gia hội nghị biểu quyết đồng ý giới thiệu TSKH Phan Xuân Dũng là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. |
TSKH Phan Xuân Dũng hứa sẽ cố gắng trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV và nỗ lực hoàn thành tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. |
TSKH Phan Xuân Dũng, SN 1960, quê quán tại xã Đại Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ khoa học.
Trước khi giữ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Ông từng giữ nhiều chức vụ như Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Từ năm 2006 đến nay, TSKH Phan Xuân Dũng là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), XI, XII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội (khóa XII), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội (khóa XIII và XIV), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc của Quốc hội khóa XII, XIII, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nga của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam khóa 2007-2012, nay là Chủ tịch danh dự của Tổng hội cơ khí Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều Ban chỉ đạo khác.
07 tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội từ 01/01/2021:
Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2020.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
(1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (quy định mới được bổ sung);
(2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật;
(4) Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(5) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội;
(6) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;
(7) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Như vậy, Đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ và ghi nhớ 07 tiêu chuẩn trên khi là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.