Vì sao 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Công an không được đặc xá đợt 2/9?
2 nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đã được chấp hành xong án phạt tù nên không được đặc xá trong đợt này.
Sáng 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố quyết định Đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Quyết định Đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã Quyết định Đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021, nhân dịp Quốc khánh 2/9. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9.
|
Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng. |
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi báo chí, Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết trong số 3.026 phạm nhân được đặc xá đợt này có 283 phạm nhân thuộc chương xâm phạm về quản lý kinh tế và chức vụ. Trong số phạm nhân chương xâm phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã nộp 24 tỷ đồng để bồi hoàn dân sự, riêng phạm nhân Trần Khắc Hiệp trại Thanh Xuân (Hà Nội) đã nộp nhiều nhất là 10 tỷ đồng.
“Tổng số hơn 3.000 phạm nhân đặc xá đợt này, các phạm nhân đã bồi thường án dân sự tổng số tiền là 80 tỷ đồng”- Thứ trưởng Bộ Công an nói và cho biết riêng trường hợp 2 nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đã được chấp hành xong án phạt tù nên không được đặc xá trong đợt này.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, khẳng định trong pháp luật của Việt Nam không có phạm nhân về chính trị, các phạm nhân đều vi phạm pháp luật nằm trong Bộ Luật hình sự quy định. Trong đợt này có 21 phạm nhân nước ngoài 7 quốc tịch khách nhau, trong đó có 10 phạm nhân Trung Quốc và 2 phạm nhân người Nhật Bản được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Trong đợt đặc xá lần này có 499 người dân tộc thiểu số của Việt Nam, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.
Trước đó, 13/6/2019, TAND Cấp cao ở Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với 2 nguyên thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân lần lượt là 30 và 36 tháng tù. Cùng là bị cáo trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") HĐXX cấp phúc thẩm tuyên án y án 15 năm tù, tổng hình phạt chung là 30 năm tù; Phan Hữu Tuấn nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) bị tuyên 4 năm tù, tổng hợp hình phạt chung 7 năm tù của TAND TP. Hà Nội là 11 năm tù.
Theo bản án, hai công ty do Phan Văn Anh Vũ thành lập được sử dụng làm tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an). Tổng cục không đầu tư, góp vốn vào hai doanh nghiệp này, mọi hoạt động vẫn do Vũ “nhôm” trực tiếp điều hành. Từ năm 2009 đến 2016, căn cứ đề xuất của Vũ “nhôm”, các ông Phan Hữu Tuấn nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách nguyên phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục Tình báo đã duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình Bộ Công an thông qua nhiều văn bản, đề nghị UBND TP HCM, Đà Nẵng cho công ty bình phong được nhận quyền sử dụng 7 khu đất công sản với tổng diện tích 6.700m2 nhà và 26.800m2 đất, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
Sau khi hai công ty bình phong được giao quyền sử dụng và tài sản tại những lô đất trên, Vũ “nhôm” đã chuyển sang đứng tên mình và người thân trong gia đình hoặc liên kết chuyển nhượng cho người khác. Mục đích này không có trong hoạt động nghiệp vụ của ngành công an mà nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.160 tỷ đồng.
Tòa xác định ông Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo với Tổng cục Tình báo; không kiểm tra, giám sát chặt chẽ; dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các vi phạm của Vũ “nhôm”.