Bà nhìn nhận đánh giá thế nào về việc các tổ chức, cá nhân kêu gọi quyên góp ủng hộ cứu trợ người dân vùng thiên tai lũ lụt, đặc biệt trường hợp ca sỹ Thủy Tiên quyên góp được cả trăm tỷ đồng vừa qua?
Trong thiên tai thảm họa, tất cả những tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm điều gì đó giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, không phân biệt tổ chức, hay cá nhân nào. Ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đi đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ như vậy rất đáng hoan nghênh, trân trọng. Không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như vậy. Còn huy động được nhiều hay ít là do uy tín của từng cá nhân, tập thể.
Tuy nhiên, một cá nhân đứng ra làm sẽ gặp nhiều rủi ro và rất vất vả, đặc biệt với nguồn tiền lớn, sức của một người không thể làm hết được. Còn về mặt pháp lý, họ không vi phạm, vì theo Bộ luật Dân sự, họ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người khác để gửi cho người nhận. Họ được ủy thác và theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó.
Vấn đề là làm thế nào để số tiền đó đến đúng người, đúng nơi và không bị lợi dụng. Thực tế đã có trường hợp lợi dụng nguồn từ thiện này. Nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm sẽ phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội, thậm chí gây mất đoàn kết trong cộng đồng khi người được, người không, họ sẽ phân bì. Đó là chưa nói đến việc sẽ hỗ trợ cái gì, cái gì cần trước mắt, cái gì cần lâu dài…
Vấn đề này chắc người chọn cách làm từ thiện sẽ suy nghĩ, làm thế nào để giúp được nhiều nhất mà không bị mang tiếng nhất. Tôi hy vọng ca sỹ Thủy Tiên sẽ chọn được cách làm tốt, để hình ảnh của “cô Tiên” giữa đời thường mãi sáng đẹp và được mọi người yêu quý.
Quan điểm của bà ra sao trước đề nghị sửa Nghị định 64 – hiện chỉ quy định 3 tổ chức được tiếp nhận ủng hộ, từ thiện?
Nghị định 64 thực chất để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đấy là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao, như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân. Nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của Thủy Tiên cũng không đúng.
Nghị định 64 đã ban hành lâu rồi, đến nay cũng cần sửa đổi một số điều. Đó là Nghị định giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, lợi dụng, đặc biệt vận động, phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả. Trong Nghị định 64, vẫn có điểm khuyến khích cá nhân tham gia thiện nguyện. Nếu như họ làm đúng quy định của pháp luật, họ không làm gì sai, chúng ta còn phải khuyến khích và tôn vinh họ nữa.
Mặc dù vậy, vẫn còn những ý kiến băn khoăn khi tiền, hàng cứu trợ chưa thực sự đến được đúng người cần hỗ trợ nhất?
Thực ra, năm nào nước mình cũng có những nơi xảy ra thiên tai và mỗi lần như thế người dân cả nước, và rất nhiều người mong muốn được đến để trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. Ai cũng muốn được trực tiếp đến để giúp đỡ. Đó cũng là nhu cầu chính đáng. Nhưng theo quy định về cứu trợ quốc tế, có ba nguyên tắc cần phải tuân thủ.
Nguyên tắc thứ nhất, không phân biệt đối xử giữa những người ở những vùng xảy ra thảm hoạ. Thứ hai, không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác nữa. Thứ 3, giúp những gì họ cần, thay vì mình giúp những gì mình có. Chính vì thế, cần có những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác này.
Nếu chúng ta tự phát, sẽ xảy ra rối loạn như ở Quảng Bình. Có rất nhiều đội vào để cứu trợ nhưng phương tiện không có, điều kiện tiếp cận gia đình, địa điểm cần thiết cũng rất khó. Dễ dẫn đến nơi tiếp cận dễ nhận nhiều, chỗ khó khăn lại không có. Cho nên cần liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan đầu mối.
Cảm ơn bà!