Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang hoàn tất thủ tục để khởi kiện Grab ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho 8 đơn vị thành viên.
Đang chứng minh thiệt hại
Theo ông Nhân, Grab có những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. "Việc khởi kiện là hành vi văn minh trong nền kinh tế thị trường minh bạch. Pháp luật quy định trong các quan hệ kinh tế, nếu anh gây thiệt hại cho tôi thì tôi có quyền khởi kiện để đòi quyền lợi”, ông Nhân nói.
Lý do khởi kiện được ông Nhân giải thích rằng ngày 25/1/2017, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 724 gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị chưa triển khai ứng dụng GrabCar tại địa phương cho đến khi có kết quả đánh giá, tổng kết các mặt ưu, nhược điểm sau thời gian thí điểm GrabCar tại Hà Nội và TP.HCM.
Hiệp hội taxi Đà Nẵng khởi kiện Grab ra tòa. Ảnh minh họa. |
Tiếp đến ngày 14/2/2017, UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi Bộ GTVT, yêu cầu chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar. Ngày 7/3/2017, Bộ GTVT có công văn số 2283 gửi UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH GrabTaxi, đề nghị Grab chỉ thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng (GrabCar) tại TP Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT TP Đà Nẵng.
Đến nay, chưa có văn bản nào của UBND TP Đà Nẵng và cơ quan chức năng cho phép thí điểm GrabCar tại địa phương này. "Trên thực tế, Grab đã cho thí điểm thực hiện nên đã gián tiếp ảnh hưởng và gây thiệt hại đến 8 thành viên của Hiệp hội vận tải taxi trên địa bàn Đà Nẵng. Hành động của Grab có dấu hiệu vi phạm pháp luật", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, các thành viên của Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã có sự đồng thuận để khởi kiện Công ty Grab. "Chúng tôi đang chứng minh thiệt hại của các đơn vị", ông Nhân cho biết.
Doanh thu taxi truyền thống giảm
Theo thống kê sơ bộ của Sở GTVT Đà Nẵng, ở địa phương này có khoảng 4.000 xe hoạt động GrabCar, cao gấp 2,5 lần lượng taxi mà chính quyền TP cho phép (1.700 xe/8 doanh nghiệp).
Từ khi Grab hoạt động ở Đà Nẵng, doanh thu của các hãng taxi truyền thống ước tính giảm chừng 10-15%; trong khi đó lợi nhuận giảm đến 70%. Có hàng trăm tài xế taxi đã nghỉ việc hoặc chuyển qua Grab.
Ông Nhân cáo buộc Grab kinh doanh vận tải nhưng núp bóng dưới hình thức ứng dụng khoa học công nghệ - tức hoạt động "chui". "Do đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp, hình thức quản lý xe hoạt động Grab để đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp và tránh thất thu thuế cho Nhà nước", ông Nhân kiến nghị.
Năm 2018, hàng trăm tài xế taxi tập trung trước sân bay Đà Nẵng phản đối Grab hoạt động "chui". Ảnh:G.H. |
Giám đốc một hãng taxi xác nhận đã ủy quyền cho Hiệp hội Taxi Đà Nẵng khởi kiện Grab. Theo vị này, các đơn vị taxi đang phải chịu 13 điều kiện ràng buộc mà pháp luật quy định trong kinh doanh vận tải hành khách, còn Grab thì không. Cụ thể, để được hoạt động, taxi truyền thống bị ràng buộc bởi các quy định về thuế, nghĩa vụ với người lao động và các quy định về dịch vụ taxi như: Màu xe, logo, số điện thoại...
Ngoài ra, để taxi được lăn bánh thì yêu cầu bắt buộc nữa là phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính và được Sở Tài Chính, Sở GTVT, UBND thành phố đồng ý mới được phép hoạt động.
“Trong khi đó, với Grab, họ chỉ cần mua xe, có điện thoại là cứ thế kinh doanh. Chính điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng và phần thiệt thòi thuộc về các hãng taxi”, giám đốc hãng taxi này nói.
Lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận chưa có văn bản đồng ý cho Grab hoạt động. Tuy nhiên, nhiều năm qua Grab đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm doanh thu của lái xe và các đơn vị taxi truyền thống.
Hiện Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang thống kê các trường hợp vi phạm có liên quan đến hoạt động của Grab để báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý theo quy định.