Sáng 5/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) đã thông qua nhiều vấn đề trọng yếu trong năm 2020.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sacombank sáng 5/6. |
Kế hoạch xử lý nợ xấu 11.000 tỷ, còn vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm KCN Phong Phú
Theo ban lãnh đạo Sacombank, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt trước những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ngay từ những ngày đầu năm, ngành ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó, Sacombank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Tổng nguồn vốn huy động 457.200 tỷ đồng, tăng trên 10%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư chiếm 452.400 tỷ đồng, tăng 10%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng, tăng 11%. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế giảm 20% về còn 2.573 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Sacombank dự kiến mất khoảng 800-1.000 tỷ lợi nhuận.
Theo Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, mặc dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, HĐQT sẽ điều chỉnh kế hoạch để đạt lợi nhuận bằng với năm 2019. Từ đầu năm đến nay kết quả kinh doanh của Sacombank đều đạt và vượt so 2019, nhưng do tình hình chung nên Sacombank xây dựng kế hoạch này.
Sacombank đang ghi nhận nhu cầu miễn giảm lãi suất của tất cả khách hàng là 25.000 tỷ, do đó, chỉ cần giảm 1-2% thì lợi nhuận của Sacombank giảm.
Về tình hình kinh doanh 5 tháng 2020, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, tổng tài sản của Sacombank tăng 5,3%, huy động trên 5%, dư nợ tăng 4,8%; hỗ trợ dịch bệnh, miễn giảm lãi gần 12.000 tỷ đồng cho gần 2.000 khách.
Sacombank đã thu hồi nợ 9.475 tỷ đồng, trong đó thực thu gần 2.000 tỷ, nâng luỹ kế thu hồi nợ lên 38.954 tỷ. Trích lập 8,930 tỷ đồng. Sau trích lập đã xử lý 1,858 tỷ đồng tài sản tồn đọng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,303 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu về 2%.
Kế hoạch xử lý nợ xấu của Sacombank là 11.000 tỷ đồng năm 2020. Riêng trong 5 tháng đầu năm, doanh số đấu giá thành công là 9.700 tỷ, thực thu 1.800 tỷ, còn lại chuyển giao đến cuối năm phần còn lại. Còn lại 7 tháng chắc chắn con số sẽ vượt xa so kỳ vọng.
Về việc xử lý tài sản bảo đảm là KCN Phong Phú, khách hàng đã uỷ quyền hoàn toàn cho Sacombank xử lý. Sacombank cũng đã nhiều lần bán đấu giá KCN này và giảm từ hơn 9.000 tỷ xuống còn 6.600 tỷ.
Tuy nhiên, trong quá khứ có một số vấn đề tồn đọng liên quan đến dự án này nên thời gian qua UBND TP đã đề nghị tạm ngừng việc bán đấu giá để làm rõ một số vấn đề pháp lý, do đó hiện STB đang chờ ý kiến chỉ đạo.
Cổ đông bức xúc vì nhiều năm liền không chia cổ tức
Về tình kinh doanh năm 2019, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ gần 3,037 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018. Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, Ngân hàng có lợi nhuận sau thuế dùng để phân phối đạt gần 2,366 tỷ đồng.
Trong đó, Sacombank dự kiến trích lập 723 tỷ đồng vào các quỹ và giữ lại hơn 1,643 tỷ đồng. Sau khi phân phối, lợi nhuận lũy kế đến cuối năm 2019 của Sacombank tăng lên mức gần 4,456 tỷ đồng.
Theo Sacombank, với vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 dự kiến là 28,395 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ chi 785 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định và sử dụng 18,154 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh sinh lời. Ngoài ra, Ngân hàng dự kiến bổ sung vốn có giá trị 214 tỷ đồng cho ngân hàng con tại Lào trong năm 2020.
Trước việc tiếp tục nhiều năm liền không chia cổ tức, rất nhiều cổ đông Sacombank đã khá bức xúc đề nghị ngân hàng chia từ 3-5%. Bởi theo cổ đông, việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank đã khiến “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn tan hoang”. Sacombank từ khi kết hợp với Ngân hàng Phương Nam nên phải chịu lỗ, đến nay thì hoạt động đã có lãi. Trong khi đó cổ phiếu STB thì đứng bét trong ngành.
“Nếu không có Trầm Bê bước vào Sacombank thì Sacombank mạnh lên cỡ nào, có cần tái cơ cấu không?” – một cổ đông bức xúc phát biểu.
Đáp lại, Phó Chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay nhà đầu tư đã bán ròng cổ phiếu STB. Cổ phiếu STB dao động quanh mệnh giá 10.000 đồng/cp, có những lúc lên được gần 13.000 đồng/cp, tuy nhiên sau dịch Covid-19 xảy ra thì đã xuống 7.500 đồng/cp và nay đã lên lại.
Giá cổ phiếu chưa phản ánh kịp tình hình kinh doanh của Sacombank bởi giá trị sổ sách đã gần 15.000 đồng/cp. Đây cũng là cơ hội cho cổ đông muốn tham gia lâu dài với ngân hàng.
Về việc mấy năm liên tục không chia cổ tức cho cổ đông, ông Tuấn cho biết, HĐQT cũng đã đề xuất với NHNN cho phép Sacombank được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng NHNN chưa thông qua đề xuất này. Ông trấn an rằng hiện lợi nhuận giữ lại của Sacombank tới 4.500 tỷ đồng, thì vài năm tới sẽ bù lại cho cổ đông phần đó.
Chủ tịch Dương Công Minh cũng cho biết thêm, HĐQT chúng tôi bị “trên đe dưới búa” trên là NHNN đốc thúc, dưới là áp lực cổ đông. Do đó hi vọng hết năm 2023 sẽ tái cơ cấu thành công và chia cổ tức cho cổ đông.