Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho thành phố; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 115 tại thành phố Hà Nội, báo cáo của Chính phủ đề cập đến một số đề án thu phí, giá dịch vụ trên địa bàn. Đáng lưu ý trong đó có đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. |
Đề án này, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện Đề án và trình HĐND thành phố vào thời điểm phù hợp.
Cho ý kiến về vấn đề phí dừng đỗ ô tô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phí này không phải quy định ở mức cao, hay thật cao, mà ngược lại có thể giảm, "vấn đề là việc quản lý ra sao?".
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế, doanh nghiệp và người dân vẫn phải trả khoản phí này, thậm chí còn phải trả cho tư nhân mức cao hơn. Nhưng khoản tiền này không được tập trung như khoản thu của nhà nước, để quay trở lại đầu tư phục vụ cho hạ tầng.
“Không phải chúng ta quản lý thì đưa giá thật cao đâu, thậm chí còn giảm được, nhưng lại có thể tăng thêm khoản thu cho thành phố, để quay trở lại đầu tư cho kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Hiện chúng ta đang khoán cho tư nhân, trông giữ xe ô tô thậm chí dịp lễ, tết còn nâng giá lên rất cao, đúng không? Nếu làm tốt, chúng ta còn giữ được mức phí, giá còn thấp hơn, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chi phí của người dân, nhưng việc dừng đỗ thoải mái hơn, lại động viên được ngân sách cho thành phố để quay lại đầu tư cho kết cấu hạ tầng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ khi về Hà Nội nhận nhiệm vụ, cá nhân ông cảm nhận thấy “tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi” và đón nhận Nghị quyết này, vì đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển thủ đô.
Đối với vấn đề phí, theo ông Thanh, đây là vấn đề rất trăn trở, "đã làm rồi nhưng gặp trục trặc về kỹ thuật, lại vướng dịch bệnh COVID-19 nên lui lại". Ông Thanh kiến nghị: Khi đang xây dựng mã số định danh cá nhân, có thể xem xét ở cấp độ nào đó, quy định trong luật hay nghị định rằng mỗi ô tô nên định danh cá nhân. Như vậy, quy định bắt buộc mỗi xe phải có một cái thẻ và có số dư.
“Tôi nghe một số nơi nói, bây giờ dân nghèo lắm, làm gì có tiền trong tài khoản để quẹt phí. Tôi bảo nghèo thì nghèo, tiền đi vay được, nhưng anh phải nhận thức đủ về pháp luật. Sao có chuyện lấy nghèo ra để không thực hiện nghĩa vụ”, ông Thanh cho hay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, nếu có thẻ sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả việc thu phí vào thời gian cao điểm vào nội đô.
“Việc duy nhất là luật pháp yêu cầu mỗi xe ô tô (bỏ qua xe máy) phải có thẻ và có số dư, sẽ làm được rất nhiều việc, chứ không chỉ việc thu phí”, ông Thanh cho hay.