Chủ tịch FED Jerome Powell |
Trang MarketWatch dẫn một báo cáo của JPMorgan Chase cho biết, chứng khoán Mỹ đã "bốc hơi" khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa sau những phát biểu của ông Power - vị sếp ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Từ đầu năm đến nay, ông Jerome Powell đã có 3 cuộc họp báo sau các cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận giữ vai trò quyết định lãi suất trong FED. Nhà phân tích định lượng Marko Kolanovic và đồng nghiệp tại JPMorgan Chase nói rằng sau mỗi cuộc họp báo như vậy, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm trung bình 0,44%.
Những phát biểu và đánh giá khác của ông Powell khiến S&P giảm trung bình 0,4% mỗi lần. Trong đó, trong 9 lần ông Powell điều trần trước Quốc hội Mỹ, thì có 5 lần chỉ số này giảm điểm.
Các nhà phân tích thực hiện bản báo cáo thừa nhận rằng, việc trực tiếp và hoàn toàn "đổ lỗi" sự giảm điểm của thị trường cho những phát biểu của ông Powell là không thực sự chính xác. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng có sự tồn tại của một mối quan hệ đặc biệt giữa những gì mà các vị Chủ tịch FED, không riêng gì ông Powell, với phản ứng của Phố Wall.
"Chúng tôi thừa nhận rằng không thể nói mỗi bài phát biểu (của ông Powell) đều gây ra sự bấp bênh cho thị trường. Tuy nhiên, các phép toán đơn giản cho thấy chứng khoán Mỹ đã mất khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa trong năm nay sau những bài phát biểu đó", báo cáo công bố ngày 3/10 có đoạn viết.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ trở nên bi quan hơn mỗi khi vị Chủ tịch FED lên tiếng? JPMorgan Chase cho rằng có một số yếu tố dẫn tới điều này.
Trong đó, nhà đầu tư lo ngại rằng FED có thể phạm phải sai lầm trong nỗ lực đưa lãi suất trở lại mức bình thường. Cái khó mà FED phải đối mặt hiện nay là tăng lãi suất sao cho không gây đảo ngược sự tăng trưởng kinh tế đang được đẩy mạnh nhờ chính sách cắt giảm thuế chính quyền Trump, trong bối cảnh kinh tế Mỹ có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ vẫn được khẳng định, thể hiện qua việc chỉ số Dow Jones ngày 3/9 có phiên lập kỷ lục thứ 15 trong năm 2018.
Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng gần đây, và đồng USD mạnh lên có thể là tín hiệu cho một chặng đường gập ghềnh ở phía trước đối với chứng khoán Mỹ. Lợi suất cao và đồng USD mạnh có thể gây sức ép suy giảm doanh thu của các công ty đa quốc gia Mỹ.
Theo JPMorgan Chase, thị trường chứng khoán cho rằng FED có thể đánh giá thấp nhiều rủi ro, và vì thế lo ngại FED sẽ phạm một sai lầm chính sách nào đó trong tương lai. Khả năng sai lầm chính sách dẫn tới giá cổ phiếu sau mỗi phát biểu của ông Powell.
Mặc dù vậy, Dow Jones đã tăng 8,5% , S&P tăng 9,4%, và Nasdaq tăng 16,3%.
Có thể thấy, chứng khoán Mỹ đã vượt qua nhiều trở ngại để đạt được thành quả tăng như vậy, nhưng JPMorgan Chase kết luận rằng nhà đầu tư nên thận trọng bởi nếu các điều kiện thị trường nhanh chóng chuyển xấu, FED chưa chắc có thể ra tay "giải cứu".
"Nếu các nhà đầu tư dựa trên các yếu tố nền tảng kinh tế bắt đầu đặt ra câu hỏi về chu kỳ tăng điểm của thị trường, một đợt bán tháo kỹ thuật có thể trở nên nghiêm trọng hơn và trở thành một ‘cú đấm knockout’. Cấu trúc vi mô mới của thị trường tài chính sẽ không để FED có đủ thời gian phản ứng", báo cáo viết.