Sáng 14/6, PV Pháp Luật TP.HCM đã gặp gỡ ông Trần Ngọc Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên - đơn vị chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất (TSN). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn nội dung buổi trao đổi này.
“Thủ tướng đã chỉ đạo thì chúng tôi phải ngưng”
Phóng viên: Tại cuộc họp chiều 12/6, Thủ tướng đã chỉ đạo dừng thực hiện các công trình phụ trợ trong sân golf TSN. Ông có biết thông tin này?
+ Ông Trần Ngọc Hải: Tới giờ chúng tôi chỉ mới biết thông tin trên báo chí về chỉ đạo của Thủ tướng chứ chưa nhận được văn bản, chỉ thị cụ thể. Trường hợp Thủ tướng đã chỉ đạo, chúng tôi sẽ nghiêm túc chấp hành.
Hiện trong sân golf có bao nhiêu công trình phụ trợ đang được xây dựng? Và các công trình này đã ngưng xây dựng chưa?
+ Các công trình xây dựng trên khu đất 157 ha đều phải tuân theo Quyết định 596/QĐ-UBND ngày 18-4-2011 của UBND quận Tân Bình (về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu sân golf và dịch vụ TSN). Theo đó, chúng tôi được phép xây dựng sân golf diện tích 111 ha và các công trình phụ trợ như hồ nước, câu lạc bộ sân golf, nhà tập golf và trạm dừng chân với tỉ lệ 84% diện tích toàn khu đất. Phần diện tích đất còn lại sẽ được dùng để xây dựng các công trình công cộng.
Tuy nhiên, tới nay chúng tôi mới chỉ xây dựng tòa nhà CLB Golf, 36 đường golf, một sân tập cùng một số kiốt để khách uống nước, nghỉ ngơi thôi. Các công trình phụ trợ như trường học, biệt thự, khách sạn... chưa hề được xây dựng. Chúng tôi vẫn còn để mảnh đất trống đang ươm cỏ chứ đã xây gì đâu.
Việc tạm ngưng các công trình phụ trợ có gây thiệt hại gì cho doanh nghiệp không?
+ Mục đích của các công trình phụ trợ là để kinh doanh, phục vụ khách chơi golf. Nếu phải ngưng chắc chắn doanh nghiệp sẽ có thiệt hại. Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ đạo thì chúng tôi phải ngưng chứ đâu thể làm sai được.
Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất. Ảnh: HỒNG TRÂM |
Sẵn sàng ủng hộ việc thu hồi sân golf
Thưa ông, vốn đầu tư sân golf có phải do Công ty Cổ phần Him Lam bỏ ra hay không?
+ Tổng vốn đầu tư cho sân golf khoảng vài ngàn tỉ đồng. Số vốn này do nhiều cổ đông góp vốn với tư cách cá nhân, hoàn toàn không liên quan đến Công ty Him Lam.
Sân golf hiện nay có bao nhiêu nhân viên, lượng khách ra sao, thưa ông?
+ Do sân golf Tân Sơn Nhất mới hoạt động được hai năm (từ năm 2015 đến nay) nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Hiện sân golf có hơn 1.000 nhân viên, lượng khách mỗi ngày khoảng 200 đến 350.
Có dư luận cho rằng sân golf đang hoạt động thua lỗ và chủ đầu tư muốn đóng cửa, muốn Nhà nước thu hồi để được bồi thường. Điều đó có đúng?
+ Những thông tin đó không chính xác, không phù hợp với kết quả hoạt động thực tế của sân golf.
Nếu sắp tới cơ quan chức năng quyết định thu hồi sân golf thì doanh nghiệp sẽ có động thái gì?
+ Quan điểm của Chính phủ hiện nay là tất cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm. Do vậy, khi cần thiết lấy diện tích đất sân golf thì các bên liên quan cần phải làm việc với nhau để có biện pháp xử lý hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Nếu việc thu hồi sân golf để phục vụ lợi ích quốc gia, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Thủ tướng đang giao Bộ GTVT kết hợp đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu phương án mở rộng sân bay TSN, báo cáo Thủ tướng trong vòng sáu tháng. Sau đó, Thủ tướng mới đưa ra kết luận là có thu hồi sân golf hay không.
Nếu sân golf TSN bị thu hồi, hơn 1.000 nhân viên sẽ thất nghiệp. Hiện chúng tôi chưa đưa ra kế hoạch hỗ trợ gì cho họ vì còn chờ kết luận sau cùng của Thủ tướng.
Xin cám ơn ông.