Nhiều địa phương tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ như karaoke, quán bar, phòng gym,...
Theo quy định, TP. Đà Nẵng sẽ tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, quán bar, vũ trường, massage và trò chơi điện tử trên toàn thành phố.
Thời gian áp dụng từ ngày ký quyết định đến khi cơ quan y tế có thẩm quyền công bố đã khống chế được dịch hoặc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có văn bản hủy quyết định này.
Không chỉ riêng Đà Nẵng, ngày 13/3, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage để hạn chế tụ tập đông người, hạn chế nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Ngoài ra, Cảng biển Chân Mây cũng tạm thời không đón các tàu du lịch cập bến để phòng dịch lây lan.
Tại TP.HCM, tỉnh Bình Thuận, Hải Phỏng cũng đã có quyết định ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu, phòng gym, yoga,... đến hết ngày 31/3 hoặc đến khi không còn người nhiễm Covid - 19.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo phải khử khuẩn, tạm thời đóng cửa đến hết tháng 3 các quán bar, karaoke, các chương trình ca nhạc, các di tích trên địa bàn thành phố.
Nhiều người dân tỏ ra bất ngờ nhưng đa số ủng hộ quyết định trên khi mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh bày tỏ lo lắng khi phải đối diện những thiệt hại trong thời gian ngưng hoạt động
Tuy nhiên, một số chủ cơ sở kinh doanh nêu thắc mắc về việc nếu đóng cửa lâu quá sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và đề nghị chính quyền có phương án hỗ trợ trước việc thiệt hại kinh tế lớn mà chủ kinh doanh phải đối diện.
Chị N.T.L. (chủ quán karaoke tại đường Nguyễn Tuân) cho biết hiện cơ sở của chị có hàng chục nhân viên. Đóng cửa cơ sở, chị đang không biết nên cho nhân viên nghỉ việc hay ở lại.
"Nhiều nhân viên của tôi sống phụ thuộc vào thu nhập từ quán karaoke, cho nghỉ việc thì tội mà ở lại thì tôi không có khả năng nuôi cho chừng ấy nhân viên. Chưa kể, một khoản lớn tiền nhà tiền điện duy trì mỗi tháng" - chị L. chia sẻ.
Tương tự, anh Đ.H.Q. chủ hệ thống phòng gym trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng lo lắng cho biết, anh phải chi trả tiền thuê mặt bằng cho hệ thống 4 phòng gym, tiền lãi ngân hàng, tiền lương nhân viên tới vài trăm triệu mỗi tháng.
"Hy vọng chi phí mặt bằng sẽ được đơn vị cho thuê tính toán lại để hỗ trợ trong thời gian này. Nhưng nếu tạm ngưng dài hạn, có khi tôi phá sản mất" - anh Q. nói.