Khi chủ đầu tư “cùn”
Ngày 12/3 vừa qua, Ban Quản trị chung cư Phú Hoàng Anh đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về việc chủ đầu tư (Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh) không chịu chi trả nốt số tiền phí bảo trì chung cư còn lại cho Ban Quản trị, dù đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản lên chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ.
Theo Ban Quản trị, chung cư Phú Hoàng Anh đi vào hoạt động vào tháng 6/2013, với số căn hộ là 829 căn. Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động thì chủ đầu tư sẽ bàn giao cho Ban Quản trị phí bảo trì chung cư làm 6 đợt, đợt đầu vào tháng 7/2014 và kết thúc vào tháng 12/2014, với số tiền hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ thanh toán đúng hẹn đợt đầu với số tiền trên 7 tỷ đồng, những đợt sau Ban Quản trị phải tích cực đòi thì chủ đầu tư mới chịu chi trả và đợt cuối cùng thì tới nay vẫn chưa thanh toán, dù Ban Quản trị đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư chi trả số tiền còn lại cả gốc lẫn lãi là hơn 10 tỷ đồng.
Người dân chung cư Phú Hoàng Anh treo băng-rôn yêu cầu chủ đầu tư giao toàn bộ tiền bảo trì còn lại cho Ban Quản trị. |
Ban đã gửi văn bản tới UBND huyện Nhà Bè, UBND TP.HCM và thậm chí là gửi cả tới Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhờ can thiệp giải quyết, đồng thời treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư chi trả số tiền còn lại này.
Không chỉ chung cư Phú Hoàng Anh gặp phải việc chủ đầu tư chây ì chi trả phí bảo trì chung cư. Ông Đinh Văn Sự, Trưởng ban quản trị chung cư An Tiến (quận 7) cho biết, chung cư này đi vào hoạt động đã lâu với phí bảo trì lên tới 40 tỷ đồng, nhưng tới nay chủ đầu tư mới chi trả 15 tỷ đồng, số tiền còn lại sau khi bị Ban Quản trị liên tục có văn bản cùng các cuộc họp đấu tranh gay gắt thì được chủ đầu tư ra văn bản xin… khất.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại chung cư EraTown, chung cư Ruby Garden... sau nhiều năm đi vào hoạt động, dự án đã thành lập được Ban quản trị nhà chung cư, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa trả hết tiền bảo trì cho cư dân, khiến cư dân liên tục làm đơn khiếu kiện.
Cuộc chiến còn dài
Trở lại câu chuyện của chung cư Phú Hoàng Anh, có mặt tại cuộc gặp báo chí còn có đại diện của chủ đầu tư là ông Đỗ Thanh Tấn, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Viễn Đông (công ty con của Phú Hoàng Anh được giao quản lý chung cư), ông Tấn cho rằng, việc chậm chi trả là do Ban Quản trị không chịu bàn giao tầng hầm cho chủ đầu tư, nên không thể có nguồn thu để trả lại cho cư dân.
Ngoài ra, ông Tấn cũng cho biết, từ ngày khai thác chung cư, chủ đầu tư có giao cho Ban Quản trị khai thác tầng hầm để xe, mỗi tháng thu 500 triệu đồng, nên tính ra thì hai năm nay Ban quản trị đã thu được số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Vì vậy, chủ đầu tư muốn khấu trừ số tiền này vào số tiền phí bảo trì.
Ông Trần Hoàng Thái, Trưởng ban quản trị chung cư lại cho rằng, tầng hầm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận cho ai. Trong phần lớn hợp đồng mua bán căn hộ (khoảng 70%) không ghi điều khoản tầng hầm là của ai. Nếu trong hợp đồng không quy định thì căn cứ vào luật, tầng hầm là sở hữu chung. Việc chủ đầu tư lấy lý do này để không chịu chi trả số tiền phí bảo trì là không hợp lý.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng chây ì chi trả phí bảo trì của các chủ đầu tư hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, đây là vấn đề bức xúc lâu nay, hầu như các chung cư đều gặp phải. Ông Châu cũng nêu một thông tin lạc quan, theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng sẽ được áp dụng vào tháng 4/2016, thì những tranh chấp phí bảo trì chung cư như trên sẽ được giao UBND Thành phố là cơ quan quyết định thực hiện cưỡng chế khi chủ đầu tư chây ì.
Còn theo luật sư Trần Đình Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, đối với các tranh chấp như tại cao ốc Phú Hoàng Anh, Ban Quản trị nên khởi kiện ra tòa án để buộc chủ đầu tư phải giao số tiền bảo trì 2% và bồi thường thiệt hại về lãi (nếu có).