Theo số liệu thống kê mới nhất do cơ quan chức năng đưa ra, cả nước ta nợ đọng bảo hiểm xã hội lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Việc này gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội không chỉ là giảm nguồn thu, gây vỡ quỹ BHXH mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, tuy nhiên hiệu quả mang lại không như mong muốn, thậm chí tình hình ngày càng xấu đi. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện nay việc theo dõi, đôn đốc, khởi kiện để thu hồi nợ chỉ một mình cơ quan BHXH đơn độc thực hiện.
Ảnh minh họa. |
Theo tôi, nhằm hạn chế nợ đọng BHXH rất cần sự chung tay, giúp sức, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan. Cụ thể như, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan kế hoạch và đầu tư có thể rút giấy phép kinh doanh hoặc không gia hạn giấy phép đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH - đây được coi là biện pháp khả thi, ít tốn kém nhất trong giai đoạn hiện nay.
Song song với đó, cơ quan lao động, thương binh và xã hội; cơ quan thuế đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra xử phạt nghiêm minh những doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH; cơ quan thi hành án dân sự cần nhanh chóng vào cuộc và quyết liệt hơn nữa trong việc thi hành án thu tiền BHXH nộp ngân sách nhà nước.
Đối với Tòa án nhân dân các cấp với vai trò đặc biệt của mình cần tăng cường phối hợp, thụ lý, xác minh, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ khởi kiện đòi nợ BHXH khi cơ quan BHXH có đơn khởi kiện. Bởi vì, chứng cứ, hồ sơ pháp lý đối với các vụ án này tương đối đầy đủ, chặt chẽ nên việc nhanh chóng ra các bản án, quyết định giúp cơ quan BHXH thu hồi nợ BHXH cho ngân sách là không quá khó khăn, phức tạp...
Hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp và nguy cơ vỡ quỹ BHXH rất cao.