Với đồng bào Mông ở Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) thì Tết của người Mông ở Sài Khao đến sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng. Bắt đầu tháng Chạp khi thu hoạch hoa màu trên nương rẫy xong mọi người đón năm mới.
Gà trống gáy, năm mới bắt đầu
Trên con đường đến với Sài Khao, chúng tôi may mắn gặp Vàng A Thào. Anh trở thành người dẫn đường bất đắc dĩ cho chúng tôi qua những cung đường về với bản. Biết chúng tôi muốn về Sài Khào, A Thào vui vẻ nói: "Vậy thì nhà báo đi theo ta, về nhà ta ăn Tết. Ta vừa đi ra phố huyện mua ít bánh kẹo cho bọn trẻ và chuẩn bị ăn Tết".
Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua quãng đường với những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo, chúng tôi cũng vào được đến bản. Bản Sài Khao đón chúng tôi bằng những cành đào còn e ấp nụ chờ ngày khoe sắc, hoa mơ hoa mận cũng nở trắng một góc rừng. Khác với những dân tộc khác, người Mông ở Sài Khao có truyền thống ăn Tết sớm hơn so với các dân tộc khác một tháng. Có khi xong một mùa rẫy vào cuối tháng 10 Âm lịch thì đồng bào cũng bắt đầu ăn Tết.
Chơi còn trong ngày Tết. |
Theo chân Vàng A Thào về nhà ăn Tết bằng lời mời hồ hởi của anh, chúng tôi thấy lòng ấm lại sau quãng đường với gió bụi, giá rét. Cùng Vàng A Thào chuẩn bị đón một cái Tết sớm, chúng tôi mới thấy được những nét độc đáo trong Tết của đồng bào dân tộc Mông ở Sài Khao.
Vào ngày này, đàn ông thường dậy sớm và làm hết mọi việc lớn trong gia đình. Bởi họ quan niệm đàn ông là người trụ cột trong gia đình, họ sẽ lo toan những việc hệ trọng. Cũng như bao gia đình khác trong bản, những ngày này đàn ông trong nhà Vàng A Thào sẽ tất bật chuẩn bị làm các việc lớn, việc hệ trọng như thờ cúng tổ tiên, mổ thịt lợn và làm những mâm cỗ thịnh soạn để mời anh em họ hàng và bà con dân bản cùng đến ăn Tết với gia đình mình, cùng chung nhau ly rượu mừng năm mới và dành cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất về một năm mới no đủ, yên bình. Người phụ nữ ngồi thêu thùa váy hoa sặc sỡ để vui chơi, múa hát.
Nếu như trong mâm cỗ ngày Tết của người kinh không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì trong mâm cỗ của người Mông không thể thiếu chiếc bánh giầy để cúng tổ tiên. Bởi họ quan niệm, bánh giầy tròn là tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - khởi nguồn của vạn vật. Vì vậy, việc làm bánh giầy cũng như con cháu tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, tạ ơn trời đất, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Dân bản nơi đây vẫn còn gìn giữ phong tục truyền thống trong ngày Tết. |
Ông Giàng A Lữ - một cao niên trong bản cho biết: "Người Mông chúng tôi không có đêm giao thừa như các dân tộc khác. Khi nào con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên của sáng mùng 1 chính là thời điểm bắt đầu một năm mới. Khi đó người đàn ông lớn tuổi trong nhà sẽ đọc bài cúng tổ tiên, tạ ơn trời đất". Người Mông cũng ăn Tết trong 3 ngày, tùy vào từng nhà mà tổ chức ăn Tết vào 3 ngày nào trong tháng nhưng thường là tổ chức vào 3 ngày đầu tiên của tháng 12 Âm lịch. Những ngày này, con cháu đi làm ăn xa sẽ có dịp trở về quê hương cùng ăn Tết với gia đình.
Người Mông cũng quan niệm, trong những ngày Tết con người được nghỉ ngơi, các dụng cụ lao động sản xuất cũng được nghỉ ngơi. Vì thế, họ dán giấy vào các dụng cụ và để thờ cúng chúng như một sự tri ân "những người bạn" đồng hành trong lao động sản xuất, cầu cho một năm mới được mùa, cây lúa cây ngô tươi tốt. Tết là dịp để dân bản đi thăm nhau, dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới yên vui, no ấm. Những ngày sau đó là lúc cả bản làng cùng nhau vui chơi những trò chơi truyền thống. Trên khoảng đất rộng của bản, các chàng trai cô gái sẽ cùng nhau chơi ném pao, tung còn, múa khèn, đẩy gậy. Tiếng nói cười của những cô gái, tiếng khèn của chàng trai Mông như phá vỡ đi cái tĩnh mịch của núi rừng, kêu gọi một năm mới về trong âm thanh rộn ràng của cuộc sống.
Hoa mơ nở trắng trời, báo hiệu mùa xuân đã đến |
Tết ấm trên đỉnh Sài Khao
Tết đến, xuân về trong tiếng khèn ngân vang, ngân xa giữa bao la núi rừng như níu giữ chúng tôi ở lại cùng với Sài Khao để hiểu hơn cái tình và lòng hiếu khách của người Mông ở Sài Khao. Trưởng bản Vàng A Sụ tiếp chúng tôi trong căn nhà của mình, bên chén rượu ngô thơm nồng, ông kể cho chúng tôi nghe về Tết của bà con trong bản. Trong câu chuyện của ông có xen lẫn cả quá khứ, hiện tại và tương lai của một bản vùng cao đang dần đổi thay dẫu rằng cái nghèo vẫn đeo bám trong cuộc sống của họ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, 30 hộ dân đồng bào Mông ở Phù Yên (Sơn La) cùng nhau di cư tìm vùng đất mới sinh sống, đoàn người cứ đi, đi mãi và cũng tìm được cho mình một vùng đất để dựng nhà, cùng khai phá đất đai và sinh sống. Đến nay, bản Sài Khao đã có 86 hộ với 556 nhân khẩu, họ định canh định cư nơi mảnh đất này cùng chung sống đoàn kết và hòa thuận. Người Mông ở Sài Khao đã không còn phải lo cái đói mùa giáp hạt như trước nữa, cuộc sống đã no đủ hơn nhiều khi cây ngô, cây lúa tươi tốt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ vẫn còn giữ lại cho dân tộc mình những nét đẹp truyền thống và cùng xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Trong câu chuyện với chúng tôi, trưởng bản Vàng A Sụ không giấu niềm vui về một Sài Khao no ấm hôm nay. Bởi đồng bào đang đón một cái Tết no đủ, yên vui.
Ông Sụ cho biết, trước đây, người Mông ở Sài Khao ăn Tết kéo dài cả tháng, mổ nhiều trâu bò, lợn gà tốn kém, lãng phí. Người Mông có thói quen chỉ làm một mùa rẫy mỗi năm nên cứ sau tháng mười âm lịch thì nhà nào cũng ở nhà, không đi làm nương nữa. Cây ngô, cây lúa trên nương chẳng đủ giúp đồng bào vượt qua cơn đói mùa giáp hạt. Trưởng bản Vàng A Sụ nói: "Trước đây đồng bào Mông chúng tôi ăn Tết kéo dài cả tháng, tổ chức tốn kém lắm. Đến khi qua Tết, khi cây lúa, cây ngô trên nương chưa kịp trồng vụ mới thì cái đói lại về, có một số nhà chẳng còn hạt gạo trong thùng nữa, phải đi vay gạo rồi nấu cháo ăn thôi", Trưởng bản Vàng A Sụ nói.
Một góc Sài Khao.. |
Tết đến cũng là lúc con cháu đi làm ăn xa hay đi học ở phố huyện về nhà ăn Tết. Vậy là tháng đó sĩ số lớp học lại vơi đi gần một nửa vì thiếu những học sinh đồng bào dân tộc Mông. Các thầy cô giáo vùng cao lại hành trình đến từng nhà vận động học sinh tới lớp. Thầy giáo Hà Minh Tuốt (giáo viên trường tiểu học Mường Lý tại khu Sài Khao) chia sẻ: "Năm nào chúng tôi cũng phải đi từng nhà vận động học sinh trở lại lớp sau khi đồng bào Mông ăn Tết xong, có em thì trở lại lớp học cũng có những em nghỉ học luôn" .
Đó là câu chuyện của những năm trước, còn bây giờ người Mông ở Sài Khao ăn Tết chỉ trong 3 ngày, không tốn kém và kéo dài như trước nữa mà tùy vào điều kiện của mỗi gia đình để tổ chức ăn Tết to hay nhỏ. Sau 3 ngày Tết bà con lại cùng nhau đi làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hái cây đót trên những ngọn đồi cao mang xuống phố huyện bán lấy tiền mua gạo.
Vàng A Thào cũng hồ hởi khoe với chúng tôi: "Năm nay cây ngô, cây lúa tốt tươi, con gà con lợn cũng không bị bệnh nên nhà ta ăn Tết vui hơn mọi năm. Cũng ăn Tết đơn giản thôi, không tốn kém và kéo dài nữa vì còn ra phố huyện cùng ăn Tết Nguyên Đán với các dân tộc khác nữa mà".
Những nhà có điều kiện sẽ mổ lợn, gà và mời bà con trong bản đến chung vui. Còn những gia đình còn khó khăn hơn thì sẽ góp đồ ăn lại ăn Tết chung. Cùng chúc nhau một năm mới ấm no và chuyện trò bên chén rượu ngô thơm nồng. Người Mông ở Sài Khao hôm nay đã không còn bỏ đất, bỏ rừng mà đi nữa, họ định canh, định cư trên mảnh đất này để đón những cái Tết yên vui.
Trưởng bản Vàng A Sụ