“Có tiền cũng không mua được”
Từ lâu nay Tân Cương đã được biết tới là vùng đất có lại chè ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Nơi đây, sản xuất rất nhiều loại chè khác nhau, một trong những loại chè ngon và đắt nhất được người dân nơi đây sản xuất ra đó là loại chè Đinh có giá 3 triệu đồng/kg. Vào thời điểm khan hiếm chè, thậm chí lên tới 4,5 triệu đồng/kg.
Chè Đinh thượng hạng. |
Phóng viên báo Người Đưa Tin đã tìm về với vùng chè này để tìm hiểu về loại chè ngon và đắt nổi tiếng này. Bước đến xã Tân Cương, điều đầu tiên đập vào trong mắt chúng tôi đó là những đồi chè xanh bạt ngạt, trải khắp trên mảnh đất nơi đây. Đi ngang qua những cơ sở chế biến, một mùi hương thơm dịu mà đặc chưng của chè được tỏa ra.
Khi được hỏi về loại chè Đinh nổi tiếng, ông chủ tịch xã Tân Cương khẳng định với chúng tôi rằng : “Loại chè Đinh ở đây được sản xuất bởi quy trình rất nghiêm ngặt, rất khó để làm ra loại chè này cho nên số lượng là rất hạn chê. Bây giờ dù khách có tiền bảo mua chục cân chè Đinh, dân cũng không có đủ để bán, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán 2016 này”.
Ngủ gật mất tiền triệu
Lý giải với phóng viên về việc tại giá 1 cân chè Đinh lại đắt như vậy, Bà Đạt một người có 45 năm làm chè cho biết : “Sở dĩ 1 cân chè Đinh có giá cao là vì quy trình sản xuất rất kỹ lưỡng, không phải chè ở bãi nào cũng làm được mà phải qua chọn lọc kỹ càng”.
Thấy tôi tò mò, bà Đạt nói tiếp : “Thường thường chè Đinh chỉ có ở những bãi chè có tuổi đời lâu hơn chục năm, tuy nhiên tuổi đời của cây chưa phải đã quyết định làm ra chè Đinh. Thường thường trung bình 1 héc ta mới có 1 sào. không dùng bất cứ một loại hóa chất nào trong bón phân và trừ diệt sâu bọ. Chỉ bón bằng phân hữu cơhoặc phân vi sinh, chỉ dùng thuốc trừ sâu thực vật. Chính vì thế, sản phẩm chè an toàn của gia đình anh sau khi pha, nước chè luôn xanh trong, dù để lâu cũng không đổi màu.”
“Chè Đinh khác chè bình thường ở chỗ là khi hái chỉ hái phần Đinh của búp (nõn chè) Đây là sản phẩm đặc biệt nhất. Chè Đinh từ búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh, đem sao suốt bằng cả cái tâm, cái tài và giác quan nhạy bén của người nhiều năm gắn bó với chè…”, bà Đạt diễn giải.
Bà Đạt một nghệ nhân của đất chè Thái Nguyên. |
Vừa nói, bà Đạt pha một ấm chè Đinh thượng hạng mời tôi. Qua quan sát, chè Đinh có mầu xanh đen nhỏ như chiếc kim có vân xoắn nằm gọn lỏn, khác hẳn với những búp chè khô vẫn thường thấy.
Bà Đạt vừa pha vừa nói : “1 kg trà đinh cho được 60 lít nước trà ngon, gấp 3 lần so với trà nõn tôm đặc sản. Thế nhưng để thu hái đủ chè búp tươi làm nguyên liệu chế biến 1kg chè Đinh này phải cần đến 20 thợ giỏi hái suốt một ngày trên diện tích 3 sào (gần 1.100m2). Lại chỉ được hái 1 búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh (chính vì thế mà gọi đó là trà đinh) vào lúc trời không nắng gắt, hoặc mưa. Hái xong phải cho vào sọt cứng bằng tre đan, mang về nhà, phải trải ra nong nhẹ nhàng, tránh dập gãy và không được để lâu, chỉ để khoảng 1 đến 2 tiếng là phải cho vào sao suốt ngay.”
Cũng theo bà Đạt : “Quan trọng nhất đối với việc làm ra loại chè này là lúc sao chè. Người sao chè là người phải có kinh nghiệm mới làm được. Trong lúc làm thì phải luôn luôn để tâm, chẳng may đang làm mà ngủ gật, quá lửa 1 chút thôi là mất ngay tiền triệu. Chè Đinh lúc đó thậm trí không bằng chè bình thường”.
Nói chuyện với bà Đạt một lúc thì chè đã ngấm, bà rót mời tôi chén chè hảo hạng này. Rót tới đâu mùi hương thơm tỏa ra đến đó, nước trà xanh và trong, đưa chén chè nhâm nhi uống, ban đầu chè có vị chat nhưng chỉ 1 chút sau đó đọng lại một vị ngọt khó quên.