Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng đến nay vẫn dở dang. Ảnh: NLĐ. |
Cụ thể, dự án này do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, vốn thực hiện ban đầu là 2.078 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, triển khai từ năm 2010 đến 2015. Nhà thầu thi công là tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình (từ tháng 7/2015 đổi thành Thai Group). Năm 2012, dự án này được điều chỉnh lên 9.720 tỷ đồng (tăng 7.642 tỷ đồng).
Như vậy, trung bình, để nạo vét được 1km sông Đáy phải tiêu tốn hết khoảng 126 tỷ đồng. Ngày 9/5/2012, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận số 1121 cho thấy, dự án trên không được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo điều 20 luật Đấu thầu và điều 41, nghị định 58 năm 2008 của Chính phủ.
Danh sách cho thấy nhiều dự án đội vốn ở Ninh Bình. |
Ngoài ra cũng theo kết luận của TTCP, 9 dự án khác đều bị đội vốn từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ. Điển hình như dự án Dự án nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoàn từ Bái Đính đi Kim Sơn do Sở NN&PTNN làm chủ đầu tư đội vốn từ 1.650 tỷ lên 3.806 tỷ, dự án cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ do Sở GTVT làm chủ đầu tư đội vốn từ 825,7 tỷ lên 1680,8 tỷ đồng; dự án xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT 477B đội vốn từ 196 tỷ lên 1308 tỷ đồng....
Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 10 dự án đoàn thanh tra kiểm tra chỉ có 2/10 dự án có báo cáo kết quả thẩm định dự án trước khi trình phê duyệt.
Cụ thể, hai dự án đó gồm: Cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và Dự án Xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư giai đoạn 1 do Sở Kế hoạch đầu tư làm chủ đầu tư.
8/10 dự án còn lại được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt khi chưa có báo cáo kết quả thẩm định dự án, các dự án này thực hiện trên cơ sở hồ sơ trình thẩm định của các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, còn nhiều sai sót trong khâu thẩm định, phê duyệt dự án; lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình; cũng như đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.
Thanh tra Chính phủ khi đó cũng chỉ rõ công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình còn nhiều sai sót. Cụ thể, bản vẽ thi công một số hạng mục chưa chính xác và đầy đủ thông số, do vậy việc bóc tách khối lượng thiếu chính xác hoặc phải tính trong dự toán trình duyệt.
Ngoài ra, một số dự án ban hành quyết định phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công, dự toán công trình chưa đầy đủ các căn cứ pháp lý.
Theo kết luận của TTCP, việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có một số tồn tại như: Dự án không thuộc dự án được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế nhưng vẫn áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế; 5/7 dự án phê duyệt kết quả chỉ định thầu không có kế hoạch đấu thầu được phê duyệt.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy hầu hết gói thầu tư vấn, gói thầu bảo hiểm công trình thuộc 10 dự án trên đều là chỉ định thầu, dẫn đến kết quả còn nhiều hạn chế.
10 dự án được đoàn TTCP kiểm tra gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc – cầu Điền Hộ; dự án Xây dựng đường tránh bão, cứu nạn phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh vùng biển (Tuy Lộc – Bình Minh); dự án Xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT477B; dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn Bái Đính đi Kim Sơn; dự án Nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân tỉnh Ninh Bình; dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình; dự án Nạo vét sông Đáy, từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến nhánh qua sông Đáy để thoát lũ cho sông Hoàng Long; dự án Sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi 5 xã Bắc sông Rịa, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Đáy và dự án Xây dựng hệ thống giao thông đường bao, hào nước vùng bảo vệ đặc biệt cố đô Hoa Lư.