Hoang tàn ở khu chợ từng sầm uất bậc nhất đất Cảng
Chợ Sắt (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19 từng là khu chợ sầm uất, biểu tượng của nền kinh tế thương mại ở Hải Phòng, sánh ngang với sự nổi tiếng của chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Bến Thành (Sài Gòn)...
Tuy nhiên, đó chỉ còn là quá khứ. Hiện nay, khu chợ này đang rơi vào cảnh ảm đạm, hoang tàn đến khó tin.
Cảnh hoang tàn, rậm rạp ở Chợ Sắt Hải Phòng. |
Những gian hàng không có bóng người. |
Dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua, trong khi ở các khu chợ khác người dân nô nức đi mua sắm thì Chợ Sắt Hải Phòng hoang tàn, ảm đạm. PV Kiến Thức mục sở thị cảnh cả khu chợ rộng lớn chỉ còn vài gian hàng tạp hóa, cầu thang lên tầng 3 của khu chợ đầy bụi bám như lâu lắm rồi chưa từng có ai qua lại. Cả tòa nhà to đùng hiu quạnh, xa xa từng mảng vải bạt bạc phếch, bụi bặm phủ lên những thùng gỗ cũ kỹ. Những cánh cửa khóa im ỉm như ở một tòa lâu đài hoang với những chiếc ổ khóa han gỉ, hoen ố. Cái thang máy của chợ rụng hết cả số. Trên tầng 4 và tầng 5 của chợ, có một vài phòng game trống trơn do chủ mấy quán game mới dọn đi vì không ai đến đây chơi.
Quang cảnh vô cùng ảm đạm. |
Thậm chí, tại tầng 5 khu chợ, người ta xây dựng một nhà hàng Trung Hoa rất đẹp, cây cối um tùm nhưng giờ cũng bỏ trống, chỉ còn là nơi người dân thả nuôi gà và chó.
Nhớ lại thời kỳ huy hoàng của Chợ Sắt, bà Phạm Thị Khuya (74 tuổi), có 34 năm gắn bó với chợ cho biết: “Thời đó, tôi làm quản lý của Hợp tác xã mua bán nội thành đóng trong chợ, chuyên phục vụ đồ ăn uống cho cả cái chợ này. Gian hàng ăn hồi đó chiếm 200 m2 trong chợ, chúng tôi nấu nướng cả ngày. Chúng tôi có 20 người phục vụ, ngày nào cũng làm đến lả người. Ngày đó, tiểu thương nào có gian hàng trong khu chợ này đều rất nổi tiếng. Cả khu Chợ Sắt hồi đó có đến 1000 hộ kinh doanh đủ loại mặt hàng, đa số hàng hóa trong chợ là hàng điện tử đủ loại do thủy thủ tàu viễn dương đi khắp nơi trên thế giới mang về. Hàng điện tử ở đây là độc quyền, kể cả Hà Nội cũng phải lấy hàng ở đây, không còn nguồn nào khác”.
Sự thật sau câu chuyện tin đồn ma ám
Sự hoang tàn của khu chợ được nhiều người gắn với tin đồn ma ám khiến các tiểu thương sợ không dám kinh doanh và kinh doanh không có lãi, cũng khiến cả người mua không vào. Liệu đó có phải là sự thật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Danh Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh hữu hạn Hải Phòng, đơn vị quản lý Trung tâm thương mại Chợ Sắt cho biết, nguyên nhân chính khiến Chợ Sắt sụp đổ là do sự thay đổi về chính sách kinh tế chứ không phải do bị “trấn, yểm” như nhiều người đồn đại.
Những gian hàng lèo tèo ở khu chợ vốn rất nổi tiếng. |
Ông Mỹ tường thuật: “Khu chợ này từng là một dự án tuyệt vời và đầy hứa hẹn. Năm 1991, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Nhận thấy tiềm năng to lớn của Chợ Sắt, tôi đã bắt tay với đối tác nước ngoài đầu tư 5 tỷ USD vào để xây dựng một trung tâm thương mại ngay trên nền Chợ Sắt cũ. Trung tâm ấy với 60.000 m2 đủ chỗ cho 5000 hộ kinh doanh hoạt động. Dự án được duyệt nhanh lắm, xây cũng rất nhanh. Đến giữa năm 1994 dự án xong giai đoạn 1, chúng tôi có đủ 5.000 hộ đăng ký. Khi ấy một chỗ thuê 15 năm trong chợ trị giá 40 cây vàng. Nhiều người cầm cố nhà cửa, vay mượn mà đóng tiền thuê chỗ. Chúng tôi dự tính với đà tiến triển như vậy thì chỉ sau 3 năm thôi, chúng tôi sẽ thu hồi vốn và trả về không điều kiện cho thành phố một phần trung tâm thương mại Chợ Sắt và chỉ giữ lại một phần để kinh doanh.
Tuy nhiên, sau năm 1995, Nhà nước bắt đầu cho phép các cá nhân được đăng ký kinh doanh, tự do buôn bán do nền kinh tế đã có những sự phát triển vượt bậc. Sự độc quyền của Chợ Sắt biến mất, người dân có thể tự mở cửa hàng tại bất kỳ đâu và mua được thứ mình cần ở bất kỳ nơi nào. Những năm đó, tiểu thương ồ ạt rút đơn mua chỗ để ra những chỗ khác rẻ tiền hơn, thuận lợi hơn, chỉ còn lại khoảng 1.000 hộ đăng ký mua chỗ trong chợ. Hoạt động được 3 năm sầm uất thì các quầy trên tầng hai ế hẳn. Những con phố quanh chợ là phố Tam Bạc, Quang Trung thành chợ hết. Sau đó, Chợ Đổ mọc lên ngay sát Chợ Sắt khiến tầng 2 của Chợ Sắt chính thức bị xóa sổ".
Một số người bám trụ ở Chợ Sắt để mong một ngày chợ sầm uất trở lại. |
Mặc dù biết sự suy tàn của Chợ Sắt là khó tránh khỏi song ông Mỹ vẫn không ngừng nuôi hy vọng: “Chúng tôi sẽ sống còn với chợ và đang có một kế hoạch cải tạo cơ sở vật chất cũng như ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với thời đại”.